Sau một năm 2023 tương đối trầm lắng, các ngân hàng có thể đẩy mạnh hoạt động chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Giới chuyên gia cũng dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam -Vietcombank (mã VCB) đã công bố kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Một trong những nội dung được cổ đông của ngân hàng đặc biệt quan tâm tại đại hội lần này là thương vụ phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Được biết, theo kế hoạch, Vietcombank dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu). Kế hoạch này từng được ban lãnh đạo của ngân hàng này đề cập từ hồi năm 2022 nhưng chưa được triển khai trong năm 2023 do điều kiện kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết vẫn đang triển khai kế hoạch trên và ngân hàng đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến kế hoạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 – 2024.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID) đã thông qua việc lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.
Trước đó, theo phương án tăng vốn năm 2023, BIDV dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, tuy nhiên BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công.
Hồi tháng 11/2019, Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi ra khoảng 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần tương ứng 15% vốn của BIDV, tương đương mức giá khoảng 33.650 đồng/cổ phiếu BID.
Một ngân hàng khác là LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng sở hữu tối đa lên 15,5% từ mức 5%.
Theo đó, thời gian chào bán cụ thể sẽ được hội đồng quản trị ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Reuters đã đưa tin ngân hàng SHB (mã SHB) đang làm việc với các đối tác tới từ Hàn Quốc và Nhật Bản để bán 20% vốn cổ phần. Thỏa thuận dự kiến được hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 nếu được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Mức định giá tiềm năng có thể dao động từ 2 tỷ USD đến 2,2 tỷ USD.
Tại Báo cáo Chiến lược Đầu tư năm 2024 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC) mới đây cho biết, các hoạt động huy động vốn sẽ mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank được kỳ vọng sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính là 64,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.
VCSC dự báo với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu có thể thành công.