Giá dầu giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nguyên nhân chính do đồng USD tăng giá, cùng lúc đó, số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại Trung Quốc dập tắt hy vọng về khả năng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa nền kinh tế trở lại. Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 2,85USD/thùng tương đương 3% xuống 93,14USD/thùng trên thị trường London. Trước đó trong phiên, giá dầu Brent tăng 1,1%. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 3,09USD/thùng tương đương 3,47% xuống 85,87USD/thùng. Trước đó vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng khoảng 2,9%.
Vào ngày thứ Sáu, giá các loại hàng hóa từng tăng vọt sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (CNHC) điều chỉnh các biện pháp phòng COVID-19 nhằm giảm thời gian cách ly đối với người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 và những người đi du lịch nội địa.
Tuy nhiên trong cuối tuần qua, số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng cao tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc công bố số lượng ca lây nhiễm cao kỷ lục.
“Việc số lượng các ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao sẽ chỉ khiến cho thêm nhiều biện pháp phong tỏa được áp dụng. Chính vì vậy, có thể nói Trung Quốc khôn phải nguồn hỗ trợ quan trọng cho các diễn biến giá xăng dầu ở hiện tại”, chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC ở New York – ông John Kilduff phân tích.
Đồng USD tăng giá so với đồng euro và đồng yên khi mà nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất sau khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ khẳng định rằng có quá nhiều yếu tố dẫn đến việc lạm phát Mỹ hạ nhiệt trong tháng vừa rồi.
Đồng USD mạnh hơn thường khiến cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác, giá của dầu và các loại tài sản an toàn chịu nhiều áp lực.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong khi đó, hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay và năm sau viện dẫn đến các sức ép về kinh tế.
Nguồn cung dầu nội địa Mỹ tiếp tục tăng. Sản lượng dầu tại Texas và New Mexico, hai khu vực trữ dầu lớn nhất của Mỹ, được tính toán tăng 39.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 5,499 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12/2022, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày thứ Hai.
Trong một động thái riêng rẽ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào ngày thứ Sáu công bố Ấn Độ hoàn toàn có thể mua dầu Nga bao nhiêu tùy nhu cầu kể cả mua trên mức giá trần mà G7 quy định miễn rằng đảm bảo được các quy định về bảo hiểm, tài chính và hàng hải do G7 quy định.
Trong bài viết chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia, IMF cho biết trong thời gian gần đây ngày càng xuất hiện nhiều chỉ dấu "cho thấy triển vọng kinh tế sẽ càng ảm đạm", đặc biệt là ở châu Âu.
Các chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang có dấu hiệu yếu đi tại hầu hết các nền kinh tế G20 vì lạm phát vẫn rất cao. IMF nhấn mạnh: “Các thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt là rất lớn và các chỉ số kinh tế xấu đi cho thấy những thách thức lớn hơn nữa đang ở phía trước”. Bên cạnh đó, môi trường chính sách tiền tệ hiện cũng đang “bất ổn một cách bất thường”.
Cũng theo IMF, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang, trong khi lạm phát cao kéo dài sẽ tiếp tục dẫn tới chính sách tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, qua đó siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. IMF lưu ý điều này sẽ “làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ công ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương”. Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.