Việt Nam có gần 200.000 ha dừa, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung, và đồng bằng sông Cửu Long.
Ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Năm 2010, xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD nhưng đến năm 2023 đã đạt hơn 900 triệu USD, kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng
Thị trường Mỹ và châu Âu chấp thuận nhập khẩu dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo tiền đề lớn cho việc mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.
Thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4 tỷ trái dừa/năm, trong đó, có khoảng 2,6 tỷ trái tươi... nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.
Tại Diễn đàn “Kết nối và sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tổ chức ở Bến Tre ngày 13/12, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với ngành dừa, vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa sang vào thị trường này.
Dừa tươi xuất khẩu (có vỏ xanh và đã gọt vỏ), phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER.
Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.
Trung Quốc không có chính sách Giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Maximum Residue Level - viết tắt là MRL) mặc định, không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ thực hiện cập nhật quy định 2 năm một lần và liên tục bổ sung các MRL mới. Không chỉ Trung Quốc mà thị trường EU rất chú trọng MRL. Trong năm 2024, thị trường này có 3 thông báo thay đổi MRL của các hoạt chất: Fenbuconazole, Penconazole và Zoxamide.
“Dù xuất khẩu đi thị trường nào, chúng ta cũng phải tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của thị trường đó”, ông Nam nhấn mạnh.
Xuất khẩu dừa mang về cho Bến Tre hơn 350 triệu USD/năm
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, với diện tích trên 80.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước, nên cây dừa trở thành cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của hơn 200.000 hộ dân của tỉnh. Xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD/năm.
Tỉnh Bến Tre hiện có 133 vùng trồng được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300 ha. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sở NN&PTNT Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700 ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…
“Để trồng dừa hữu cơ và quản lý việc cấp mã số vùng trồng hiệu quả, Bến Tre đã đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa, khi chuỗi liên kết lớn mạnh mới huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân”, ông Đức cho hay.