Lãi suất cho vay còn ít dư địa giảm, tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 12-14%
Đánh giá về diễn biến tín dụng tăng trưởng nước rút cuối năm 2023, MAS cho biết tăng trưởng tín dụng quý IV/2023 gần tương đương với tổng số giải ngân của 9 tháng năm 2023. Tổng kết, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã tiệm cận biên dưới so với mục tiêu mà NHNN đã đề ra là 14-16%. Mặc dù sự tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm sẽ không được phản ánh hoàn toàn trên báo cáo thu nhập của các ngân hàng trong năm 2023, nhưng sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi lợi nhuận của ngành trong năm 2024.
Hơn nữa, sự tăng trưởng tín dụng cải thiện trong quý IV/2023 dự kiến sẽ có tác động tích cực đến việc giảm tỷ lệ nợ xấu (NPL).
Sau khi đã giảm mạnh, lãi suất cho vay sẽ không còn quá nhiều dư địa để giảm mạnh nữa do các yếu tố như nền kinh tế dần phục hồi kích thích nhu cầu vay, khả năng Fed cắt giảm lãi trong nửa đầu năm 2024 tương đối thấp, và các khoản phí bù rủi ro liên quan đến nợ xấu.
MAS cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ dao động khoảng 12-14% trong 2024 do Chính phủ vẫn khá thận trọng đối với đánh giá tình trạng phục hồi của nền kinh tế qua việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%, thấp hơn so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19.
Hơn nữa, tín dụng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn cuối năm 2023 đã phần lớn đáp ứng nhu cầu tín dụng. Nhìn chung, mặc dù hầu hết các ngân hàng đã được phân bổ hạn mức tín dụng từ rất sớm, MAS cho rằng mốc tăng trưởng 15% cho năm 2024 là tương đối cao.
Ngân hàng sẽ kinh doanh khởi sắc trong năm 2024 nhưng có ít cơ hội cho nhà đầu tư ngắn hạn
Năm 2023 không chỉ là năm khó khăn đối với riêng ngành Ngân hàng mà là nền kinh tế chung, nhưng lợi nhuận được ghi nhận tại 27 ngân hàng niêm yết vẫn tăng nhẹ khoảng 3,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn kém hơn nhiều so với mục tiêu được đề ra khoảng 13,7%.
Tín hiệu tích cực là lợi nhuận trong nửa sau năm 2023, đặc biệt là quý IV so với cùng kỳ, đã có sự cải thiện rõ rệt được ghi nhận tại một số ngân hàng lớn như BID (+46,6%), CTG (+43,9%), HDB (+94,7%), MBB (+38,6%), STB (+45,1%), TCB (+21,6%), và VPB (+95,8%). Một điểm đáng lưu ý là các ngân hàng có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp là các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao, phân khúc phát sinh nợ xấu nhanh nhất trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
MAS đánh giá kỳ vọng tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024. Trước hết, tốc độ giải ngân nhanh trong tháng cuối năm 2023 và tăng trưởng tín dụng bền vững được kỳ vọng trong năm 2024 sẽ bàn đạp vững chắc cho thu nhập lãi thuần (NII) phục hồi.
Hơn nữa, kỳ vọng NIM đã tạo đáy và tăng trở lại cũng đóng vai trò chất xúc tác cho tăng trưởng NII. Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi cũng sẽ phục hồi tốt hơn nhờ triển vọng kinh tế lạc quan hơn, với các mảng như thu nhập dịch vụ từ các giao dịch trong nước và hoạt động xuất khẩu, dịch vụ bán chéo bảo hiểm sẽ tăng trưởng tích cực hơn nhờ nền thấp trong năm 2023 với mức tăng trưởng âm được ghi nhận tại đa phần các NHTM, quá trình số hóa sẽ làm suy giảm sự tương quan giữa doanh thu và chi phí.
Trong ngắn hạn, MAS cho rằng diễn biến giá cổ phiếu Ngân hàng sẽ tùy thuộc nhiều vào dòng tiền hơn là các yếu tố cơ bản. Hơn nữa, các cổ phiếu nhóm Ngân hàng đã tăng mạnh từ tháng 11/2023 và đang tiếp cận ngưỡng P/B trung bình 5 năm, hay một vài ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử, thể hiện tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi trong năm 2024.
Vì vậy, MAS cho rằng sẽ không có quá nhiều cơ hội đầu tư ngắn hạn đối với nhóm ngành này, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư “thụ động” nhưng có thời gian nắm giữ ngắn. Do đó, giao dịch ngắn hạn sẽ phù hợp hơn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, kết hợp với phân tích triển vọng thị trường.
Ngược lại, đối với chiến lược đầu tư dài hạn, MAS vẫn nhận thấy cơ hội đầu tư tại các cổ phiếu có những yếu tố như định giá chưa quá cao, chất lượng tài sản ổn định và tiềm năng tăng trưởng, như CTG, TCB, MBB hay ACB.