Nhân dịp đầu năm mới, chia sẻ với người viết về những thành quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group nhấn mạnh, nhiều sản phẩm nông sản Việt đưa ra thị trường năm qua đã được đông đảo người tiêu dùng toàn cầu yêu thích, chấp nhận về chất lượng. Vì vậy, dù lúa, cà phê, tiêu... đều trúng mùa, nhưng giá vẫn ở mức cao.
Năm qua, nông sản Việt được nhìn nhận đã “sáng giá” hơn nhiều trên thị trường toàn cầu, vậy đâu là những nguyên nhân đưa đến thành công này, thưa ông?
Ông Đỗ Hà Nam: Với mặt hàng hồ tiêu thì Việt Nam hiện chiếm từ 50% đến 60% thị phần thế giới, nên luôn có thể làm chủ được tình hình.
Riêng hạt điều, tuy chúng ta phải nhập khẩu điều thô về chế biến nhưng được chế biến tại các nhà máy trang bị máy móc thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất
Với cà phê thì Việt Nam đã tạo ra được tính đặc thù và vị riêng rất đặc trưng của sản phẩm này.
Trong lĩnh vực lúa gạo, câu chuyện gạo ST25 hai lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới đã xác định vị trí hạt gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Bất cứ sản phẩm nào của Việt Nam cũng tạo được đặc tính riêng của nó, có được điều này thì theo tôi, công lao đầu tiên thuộc về các nhà khoa học, đặc biệt đối với gạo và cà phê.
Những đóng góp của nhà khoa học ở đây cụ thể được hiểu như thế nào?
Dĩ nhiên nếu chỉ riêng nhà khoa học thôi thì không được. Nếu nhà khoa học nghiên cứu nhưng không có sự ủng hộ của người nông dân, hoặc người nông dân không làm tốt được kết quả nghiên cứu của họ, thì không thể nào ra sản phẩm tốt.
Song, cái hay của chúng ta là hiện có sự “ba cùng” giữa nhà khoa học, người nông dân và Nhà nước. Kết quả lai tạo lúa ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua là một dạng như vậy. Nói ông Cua là nông dân cũng được, là nhà khoa học cũng không sai, mà là nhà quản lý cũng đúng, vì ông ấy là “3 trong 1”.
Đây mới là điều khác biệt của Việt Nam so với các nước khác, cũng là tính đặc thù của con người Việt Nam. Chúng ta nên tự hào về đặc tính này, vì trên thế giới ít có ai đi theo hướng này.
Câu chuyện này cũng đã được dẫn chứng từ cây cà phê, cây sầu riêng và cây bơ... Bởi chỉ có nhà khoa học thôi thì Việt Nam không có những sản phẩm nông sản ngon nổi tiếng trên thị trường như ngày nay.
Sau khi nhà khoa học đã nghiên cứu lai tạo ra những giống mới và đưa xuống cho người nông dân, chính người nông dân đã trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm ngon và nổi tiếng này.
Cũng cần phải hiểu rằng nguồn gen của các loại nông sản này không bắt đầu từ Việt Nam, mà được mang về từ các nước, sau đó nhà khoa học nghiên cứu lai tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù riêng của Việt Nam, họ là người lai tạo ra những giống mới.
Nhà khoa học và người nông dân làm ra được sản phẩm tốt, nhưng tất nhiên chúng ta còn cần đội ngũ doanh nhân giỏi để đưa thành công các sản phẩm đó ra được thị trường thế giới...
Lâu nay mọi người thường nói “được mùa thì mất giá”, đó là do doanh nghiệp không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Bây giờ, khi thị trường còn không đủ cầu thì sao còn gọi là “được mùa mất giá”.
Thời gian vừa qua, năm nào lúa, cà phê, tiêu... cũng đều trúng mùa nhưng giá vẫn ở mức cao. Như vậy là vì sao?
Đó là do chúng ta đưa được sản phẩm ra thị trường thế giới và chất lượng nông sản của Việt Nam được đông đảo người tiêu dùng toàn cầu chấp nhận. Làm được điều này là nhờ Nhà nước mở toàn bộ cánh cửa xuất khẩu ra thế giới, không giao cho bất kỳ một doanh nghiệp nào độc quyền.
Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp tư nhân rất năng động tìm kiếm thị trường.
Thứ ba là vấn đề tài chính, ngành ngân hàng đã làm tốt trong cung cấp vốn tín dụng cho doanh nghiệp, có thể nói cơ chế tài chính của Việt Nam được điều hành rất linh hoạt.
Với tất cả những nỗ lực kể trên, Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gạo từ nước ngoài thì đến nay đã vươn mình trở thành một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.