Thanh khoản giảm, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần cuối năm 2022, VN-Index điều chỉnh mạnh, xuyên thủng vùng 1.000 điểm. Thị trường liệu đã rơi vào trạng thái “nghỉ Tết” sớm? Câu chuyện thị trường 2023 sẽ ra sao?…
Chúng tôi trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam.
Ông có bình luận gì về sự điều chỉnh những phiên gần đây của VN-Index?
Thị trường tuần qua, tâm lý nhà đầu tư rơi vào trạng thái thận trọng, thường diễn ra trước thời điểm đến kỳ nghỉ lễ dài, trong bối cảnh gần đây chưa có nhiều thông tin hỗ trợ. Nhà đầu tư chờ kết quả kinh doanh quý 4 phản ánh như thế nào khi chịu tác động bởi các biến cố thời gian qua, đặc biệt là lãi suất tăng trong thời điểm tháng 10, 11.
Khi chỉ số xuyên thủng 1.030 điểm khiến cho tâm lý nhà đầu tư bắt đầu thận trọng trở lại. Tôi cho rằng xu hướng ngắn hạn có chiều hướng xấu, áp lực giảm vẫn có thể xảy ra. Tuần cuối năm tôi cho rằng thị trường có thể lình xình với thanh khoản ở mức thấp.
Thanh khoản chưa thể cải thiện tăng ngay được bởi 2 lý do. Một là xu hướng thị trường chứng khoán thế giới vẫn khuynh hướng đi xuống; hai là diễn biến tâm lý nhà đầu tư trong nước thận trọng, hiện tại không có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Trong bối cảnh qua tháng 1 mới dần có kết quả kinh doanh quý 4, tôi cho rằng mức độ thanh khoản thị trường duy trì thấp ở tuần cuối năm.
Ông đánh giá ra sao về các động thái được nhà nước đưa ra gần đây, liệu có thể kích hoạt được dòng tiền?
Một số động thái được đưa ra thời gian qua có thể kể đến như việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% hay Bộ Tài chính đưa ra dự thảo điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu hay một số vấn đề khác… Hầu hết các yếu tố này vẫn đang là dự kiến chứ chưa chính thức để tạo cơ sở cho thị trường có tâm lý tích cực.
Thời gian trước, nguyên nhân chính khiến thị trường sụt giảm, ngoài yếu tố bên ngoài là Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và NHNN tăng lãi suất cơ bản thì có những yếu tố liên quan thắt chặt dòng tiền vào thị trường bất động sản. Thậm chí Nghị định 65 khiến cho tâm lý nhà đầu tư lo ngại, mặc dù có động thái chỉnh sửa tuy nhiên đến nay chưa có quyết sách nào cụ thể. Tâm lý nhà đầu tư bắt đầu lại e ngại với thị trường trái phiếu, mất thời gian khá lâu để khôi phục tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư về thị trường này. Trước mắt các động thái về chính sách làm giải tỏa bớt tâm lý áp lực bi quan nhưng chưa hoàn toàn hết, thậm chí tâm lý e sợ còn tiếp diễn.
Ông đề cập nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 4. Ông đánh giá ra sao về bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp trong quý cuối năm? Ngành nào có gam màu sáng?
Bức tranh quý 4 có một số điểm tích cực, có một số tín hiệu tốt hơn quý 3.
Thứ nhất là về áp lực tỷ giá. Nhiều doanh nghiệp trong quý 3 chịu áp lực lỗ tỷ giá, ăn mòn vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Quý 4 với tình hình tỷ giá hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp có áp lực vay nợ bằng ngoại tệ, có hoạt động nhập khẩu sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, vay ngoại tệ lớn như năng lượng điện, hay các doanh nghiệp lớn như VinGroup, Masan Group… có lượng lớn trái phiếu phát hành ra quốc tế.
Tuy nhiên mặt bằng chung tỷ giá năm nay vẫn là cao hơn nhiều so với 2021, như vậy rủi ro tỷ giá vẫn còn. Theo đó tăng trưởng nhiều doanh nghiệp trong 2022 sẽ kém hơn 2021.
Thứ hai là áp lực nguyên liệu đầu vào. 6 tháng đầu năm biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đến giữa quý 3 khi giá hàng hóa hạ nhiệt đáng kể, kỳ vọng quý 4 biên lợi nhuận gộp tăng trưởng trở lại.
Hồi đầu năm mức tăng trưởng của doanh nghiệp dự báo là 20-22%, tuy nhiên do tỷ giá tăng, lãi suất tăng cộng hưởng buộc phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong 2022. Tôi cho rằng, quý 4 con số tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn khá tốt, có thể đạt trung bình 10-15%.
Trong nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng vẫn sẽ là nhóm dẫn đầu về tăng trưởng. Kế đến là doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vì lạm phát tăng nên nhóm này tăng theo về doanh thu, lợi nhuận bán ra. Ngoài ra còn có doanh nghiệp năng lượng điện, vận tải, công nghệ hay dầu khí…
Ngược lại, kết quả kinh doanh kém khả quan vẫn là bất động sản và chứng khoán.
Ngoài kết quả kinh doanh, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng được quan tâm nhiều. Ông có nhận định gì về khối này?
Năm 2021 tỷ lệ sở hữu của khối ngoại giảm nhiều, thậm chí có thời điểm giảm về quanh 12-13%, là con số khá thấp. Sau thời gian mua ròng, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN đã tăng lên khoảng 18%, là tín hiệu đáng mừng cho thấy dòng tiền khối ngoại đang dịch chuyển trở lại với thị trường Việt trong bối cảnh định giá tốt, cơ bản vĩ mô ổn so với thị trường khác, là cơ hội cho họ mua vào.
Tuy nhiên có điểm cần lưu ý, trong thời gian qua dòng tiền khối ngoại phần lớn nằm ở quỹ ETF chứ không phải đầu tư truyền thống. Bản chất ETF là dòng tiền đầu tư theo chỉ số, dòng tiền vào nhanh rút ra khá nhanh, tuy không quá nhanh như nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù không là dòng tiền bền vững để tạo ra đà tăng trưởng tốt cho thị trường, nhưng chí ít dòng tiền này sẽ là dòng tiền đóng góp thanh khoản thị trường khôi phục trở lại.
Theo quan sát của tôi gần đây, dòng tiền dịch chuyển trên toàn cầu chuyển từ quỹ truyền thống sang quỹ ETF. Đặc biệt ETF ở thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam hút dòng tiền khá tốt. Nên theo tôi, xu hướng mua ròng vẫn tiếp diễn.
Có thể thấy thanh khoản vẫn là bài toán chính yếu của thị trường, ông có đánh giá gì về khả năng cải thiện thanh khoản?
Câu chuyện thị trường năm nay đúng là nằm ở thanh khoản, bao hàm thanh khoản tình hình tài chính của nền kinh tế và thanh khoản bản thân thị trường chứng khoán.
Chúng ta thấy bị tắc ứ dòng vốn. Nơi cần lại không có, dòng vốn không lưu thông, không chảy vào “chỗ ngứa” của nền kinh tế. Ở đây có thể kể đến là lĩnh vực bất động sản, ngành chiếm giá trị vốn hóa đứng thứ 2 chỉ sau ngân hàng. Bất động sản gặp khó khăn thì thị trường không thể sáng được. Do đó, thanh khoản nhóm này vẫn là câu chuyện ảnh hưởng sang 2023, bài toán thanh khoản nhóm bất động sản vẫn là “key” giải quyết chính cho thị trường chứng khoán 2023.
Thứ hai, thời điểm 2020-2021 nhà đầu tư nhỏ lẻ đóng góp rất nhiều tới thanh khoản thị trường mỗi ngày, tỷ lệ chiếm lên tới khoảng 90-95%. Khi nhóm nhỏ lẻ thoát ra, không giao dịch vì e sợ đã khiến thị trường đứt gãy thanh khoản.
Cho nên, câu chuyện thanh khoản 2023 vẫn nằm ở 2 điểm trên. Muốn giải quyết thanh khoản nền kinh tế thì cần khơi thông đúng nơi cần vốn. Cần giải quyết được câu chuyện, vừa bơm vào nhưng vẫn kiểm soát được tính rủi ro của thị trường bất động sản. Điểm nữa là tính pháp lý của thị trường bất động sản. Hiện nguồn cung bất động sản yếu vì tính pháp lý.
Khi giải quyết được thanh khoản nền kinh tế, khơi thông dòng vốn cho bất động sản, những nhóm ngành liên quan bất động sản thì kỳ vọng lãi suất mới có thể hạ nhiệt.
Về thanh khoản thị trường chứng khoán, như ở trên, thị trường hiện phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Nên thị trường Việt vẫn bị xếp vào thị trường đầu cơ, lên nhanh xuống nhanh. Theo đó, sở hữu, giá trị giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cần phải tăng lên, ít nhất từ 30-40%. Điều này sẽ giải quyết câu chuyện thị trường biến động ít đi, thanh khoản duy trì, giống như thị trường mới nổi và phát triển khác. Kinh nghiệm thị trường khác họ phát triển quỹ đầu tư, ETF là công cụ duy trì thanh khoản thị trường hàng ngày.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!