Kế hoạch lợi nhuận 6.800 tỷ đồng
Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm, tổng tài sản đạt 280 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178,2 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3-5) duy trì dưới 3% theo quy định.
Với lợi nhuận dự tính được tạo ra trong năm 2024 cùng lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 26 nghìn tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu, HĐQT trình cổ đông phê duyệt kế hoạch chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận có thể dùng để chi trả với tỷ lệ tối đa 15% bằng tiền và/hoặc bằng cổ phiếu, thời điểm tùy theo diễn biến thị trường và hoạt động kinh doanh của MSB.
Trước đó, tính đến cuối năm 2023, ngân hàng ghi nhận tổng tài sản đạt 267 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch được ĐHĐCĐ giao, vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn đạt hơn 141,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 99,5% kế hoạch, dư nợ tín dụng đạt gần 150,7 nghìn tỷ đồng, vượt 6,3% kế hoạch. Kết thúc năm, MSB đạt lợi nhuận trước thuế 5.830 tỷ đồng, hoàn thành 92,5% kế hoạch được giao.
Về hoạt động phát hành trái phiếu, trong năm 2023, MSB đã phát hành 4 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá là 4.500 tỷ đồng với mục đích cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Lãnh đạo MSB cho biết, các đợt phát hành trái phiếu của ngân hàng đều tuân thủ quy định của pháp luật, tài liệu và hồ sơ chào bán trái phiếu được đăng tải trên website của ngân hàng và chuyên trang trái phiếu của Sở giao dịch chứng khoán Hà nội.
Tăng vốn điều lệ lên 26 nghìn tỷ đồng
Cũng tại đại hội, HĐQT MSB xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán và sau khi trích các quỹ theo luật định.
Bên cạnh đó, lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được MSB trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt kế hoạch chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận có thể dùng để chi trả cổ tức này với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu, thời điểm tạm ứng cổ tức tùy theo diễn biến tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của MSB.
Một nội dung khác cũng được Hội đồng quản trị ngân hàng xin ý kiến là việc thực hiện thủ tục bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ VII (2022 – 2026) sau khi được chấp thuận của NHNN, nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao.
Lợi nhuận quý 1/2024 đạt hơn 1.500 tỷ đồng
Cập nhật kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, đến cuối tháng 3, tổng tài sản đạt ngân hàng trên 280 nghìn tỷ tăng trưởng trên 4% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng khoảng 4,7%, đạt 158 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 138 nghìn tỷ, tăng 4,1% so với đầu năm.
Kết thúc quý I/2024, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.500 tỷ, tăng nhẹ so với năm ngoái. CIR giảm xuống 33%, NIM tổng thể 3,87%; Casa tăng 14,64% và chiếm 29% tổng tiền gửi, tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giám đốc MSB nhận định, tình hình khó khăn của nền kinh tế có thể kéo dài đến ít nhất là trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, với khả năng kiểm soát và tối ưu hóa nguồn vốn, MSB có thể đạt được mục tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm 2024.
Đến cuối năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm, tổng tài sản đạt 280 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178,2 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3-5) duy trì dưới 3% theo quy định.
Chia sẻ về sự cố tiền gửi vừa qua, Tổng giám đốc MSB khẳng định, các khách hàng chân chính luôn được bảo đảm quyền lợi một cách cao nhất. Vụ việc vừa qua đã được chính MSB phát hiện và đưa ra cơ quan công an làm rõ.
“Chúng tôi luôn tôn trọng phán quyết của các cơ quan chức năng và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng chân chính”, Tổng giám đốc MSB nói.
Theo Tổng giám đốc MSB, khi gửi tiền vào ngân hàng, tình huống khách hàng bị mất tiền là cực kỳ hy hữu nếu khách hàng thực hiện đúng các quy trình, kích hoạt toàn bộ hệ thống kiểm soát như biến động số dư tài khoản...
Tổng giám đốc MSB cũng khẳng định, hoạt động của ngân hàng hiện vẫn diễn ra bình thường, khả năng thanh khoản tốt, không bị ảnh hưởng từ vụ việc.
Danh mục đầu tư bất động sản tương đối thấp
Liên quan đến quá trình chuyển đổi hệ thống core banking, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, để phục vụ cho hoạt động ngân hàng, đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, dự kiến MSB sẽ thực hiện chuyển đổi core banking vào cuối tháng này.
“Toàn bộ việc chuyển đổi đã được các chuyên gia MSB và chuyên gia nước ngoài làm việc liên tục suốt hơn 2 năm qua để hoàn thiện. Trong quá trình chuyển đổi tới, sẽ chỉ xảy ra một chút gián đoạn nhưng diễn ra rất nhanh và chúng tôi thực hiện trong khoảng thời gian ít thực hiện giao dịch nhất”, ông Linh nói.
Liên quan đến triển vọng NIM 2024 – 2025, Tổng giám đốc MSB cho biết, trong khoảng thời gian cuối năm 2023 đầu 2024, với sự biến động lãi suất giảm nhưng nhờ quản trị danh mục tốt và tỷ lệ CASA tương đối khả quan nên NIM của MSB vẫn được cải thiện và ở mức cao so với thị trường, đạt gần 4%.
Về triển vọng thị trường bất động sản, ông Linh cho biết, MSB có bộ phận dự báo về biến động nền kinh tế, biến động ngành. Để kiểm soát chất lượng tài sản, định kỳ hàng tháng, ngân hàng đều tiến hành đánh giá lại bất động sản là các tài sản đảm bảo.
Ông Linh cho biết, hiện danh mục đầu tư cho hoạt động bất động sản của ngân hàng tương đối thấp, không nằm trong cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quan điểm lãnh đạo MSB, thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt là khi một loạt chính sách tháo gỡ sắp có hiệu lực tới đây.
Để ngỏ phương án tìm nhà đầu tư chiến lược
Liên quan đến kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết, ngân hàng vẫn đang để ngỏ phương án này và hiện đã làm việc với một số đối tác.
“Năm ngoái chúng tôi đã làm việc với hai tổ chức, trong đó có tổ chức đến từ Đức. Hiện quy mô tài sản, vốn điều lệ của MSB đã đáp ứng tốt các yêu cầu của NHNN nên nhu cầu tăng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là chỉ là thứ yếu. Thay vào đó, chúng tôi muốn tìm cổ đông có thể mang lại giá trị về quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh, chuyển đổi số”, ông Linh nói.
Đối với kế hoạch bán FCCOM, hiện đã được đổi tên thành TNEX Finance. Tổng giám đốc MSB cho biết, ngân hàng đang cùng với đối tác tư vấn McKinsey xây dựng mô hình mới liên quan đến phát triển hệ sinh thái số. Tuy nhiên, MSB vẫn để “mở” các kế hoạch trong các trường hợp nhà đầu tư muốn liên kết, tham gia TNEX Finance.