Trong đó, mảng tín dụng đóng góp khoản lợi nhuận gần 2.366 tỷ đồng, tăng 9,6% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 11,5%, đạt 300 tỷ đồng trong khi hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về khoản lợi nhuận gần 592 tỷ đồng, gấp tới 4,3 lần cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, một số mảng kinh doanh ghi nhận kết quả không mấy khả quan sau quý đầu tiên của năm như mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 263 triệu đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm mạnh tới gần 90%, còn hơn 16 tỷ đồng; hoạt động khác ghi nhận lỗ tới hơn 155 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước mảng này lãi tới 146 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong kỳ của ngân hàng đạt 3.118 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,7% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động tăng 11,6% khiến tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của ngân hàng tăng nhẹ từ 32,7% quý I/2023 lên 33,6% trong quý I/2024.
Kỳ này, MSB tăng mạnh trích lập dự phòng thêm 34% so với cùng kỳ, lên hơn 540 tỷ đồng. Ngân hàng tăng trích lập trong bối cảnh nợ xấu nội bảng tăng khá mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Thuyết minh BCTC cho thấy, đến cuối quý I, tổng nợ xấu nội bảng của MSB ở mức 4.959 tỷ đồng, tăng 15,8% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó tăng từ mức 2,87% lên 3,17% khi kết thúc quý I. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng khá mỏng, hiện ở mức 53,6%.
Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng tài sản của MSB đạt gần 278,8 nghìn tỷ đồng, mở rộng thêm 4,4% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng đạt 156,16 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%. Tiền gửi khách hàng hiện ở mức hơn 137,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng hiện ở mức khá cao, tới 113%.
Về tình hình thu nhập của cán bộ công nhân viên, báo cáo cho thấy, thu nhập bình quân/tháng của nhân viên MSB trong 3 tháng đầu năm là 30,45 triệu đồng, giảm so với mức bình quân 34,22 triệu đồng/tháng cùng kỳ năm trước.