Báo cáo thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho thấy trong năm 2022, các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của tập đoàn không nhận thù lao. Trong khi năm ngoái, các thành viên HĐQT của Hòa Phát nhận được thù lao lên tới gần 118 tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ đồng/tháng).
Hiện, HĐQT của Hòa Phát có 8 thành viên, gồm 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch, 3 thành viên HĐQT và 1 phụ trách quản trị.
Nguồn: BCTN 2022 của Hòa Phát
Dù cắt giảm thù lao của HĐQT nhưng Hòa Phát vẫn nâng tổng lương và thưởng của ban giám đốc (gồm 4 người) lên 5,26 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Như vậy, trung bình mỗi thành viên ban giám đốc nhận về hơn 1,3 tỷ thu nhập cho cả năm, tương đương 110 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Hòa Phát cũng nâng tổng thù lao, lương và thưởng trả cho thành viên ban kiểm soát lên 2,4 tỷ đồng và tổng lương, thưởng cho các cán bộ quản lý chủ chốt khác là 2,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 12% so với năm trước đó.
Động thái cắt giảm khoản thù lao hàng trăm tỷ đồng của HĐQT Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh năm 2022 là một năm khó khăn với ngành thép nói chung và Tập đoàn Hòa Phát nói riêng. Theo đó, năm 2022, Hòa Phát ghi nhận 142.771 tỷ đồng doanh thu và 8.444 tỷ đồng lợi nhuận ròng, sụt giảm lần lượt 5% và 76% so với năm 2021.
Nguồn: BCTN 2022 của Hòa Phát
Với nhận định "ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục” nhưng vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, năm 2023, Hòa Phát đề ra kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022 và kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch này dự kiến sẽ được trình tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 diễn ra vào ngày 30/3 tới đây.
Cũng tại ĐHĐCĐ tới, HĐQT Hòa Phát dự kiến trình đại hội trích 42,2 tỷ đồng để trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi và không trích lập các quỹ đầu tư phát triển, thù lao HĐQT cũng như quỹ khen thưởng ban điều hành.
Phần còn lại của toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế tính đến thời điểm 31/12/2022 sau khi trích lập các quỹ (số tiền trích quỹ 42,2 tỷ đồng), HĐQT Hòa Phát đề xuất sẽ để lại dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn. Điều này đồng nghĩa với việc Hòa Phát sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2022.
Về phương án trích lập các quỹ năm 2023, HĐQT Hòa Phát đề xuất vẫn trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi là 5% LNST, thù lao HĐQT tối đa là 1% LNST, và quỹ khen thưởng ban điều hành tối đa 5% của phần LNST vượt kế hoạch mốc 8.000 tỷ đồng.
Hòa Phát không phải là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thép đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2023. Trong bối cảnh xuất khẩu thép vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cùng thử thách từ chính sách thắt chặt tiền tệ, tỷ giá tăng... tại ĐHĐCĐ mới đây, HĐQT Hoa Sen Group (HSG) lên kịch bản kinh doanh niên độ 2022-2023 dựa trên 2 phương án.
Phương án thứ nhất đạt doanh thu 34.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ, dựa trên kế hoạch sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn. Mức doanh thu và lợi nhuận này lần lượt giảm 32% và 60% so với niên độ trước.
Phương án thứ hai doanh thu 36.000 tỷ (giảm 28%) và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng (tăng 20% so với niên độ trước), dựa trên kế hoạch sản lượng thành phẩm 1,5 triệu tấn.
Tiêu thụ thép giảm mạnh những tháng đầu năm
Mặc dù trong những tháng đầu năm, giá thép xây dựng trong nước đã chứng kiến mức điều chỉnh tăng mạnh lần thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên do nhu cầu cả trong nước và ngoài nước yếu nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép đều không khả quan.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm tháng 2 đạt 2,35 triệu tấn, tăng 22% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 9% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2 triệu tấn, tăng 18% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với tháng 2/2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 4,3 triệu tấn, giảm 16%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tại Hòa Phát, theo báo cáo của doanh nghiệp, trong tháng 1/2023, công ty sản xuất 392.000 tấn thép thô, giảm 44% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm 36% so với tháng đầu năm trước, đạt 402.000 tấn.
Sang tháng 2/2023 sản lượng sản xuất thép thô của công ty tăng lên 416.000 tấn nhưng cũng chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 475.000 tấn, bằng gần 70% so với tháng 2/2022.
Như vậy, lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 809.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép ghi nhận đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với 2 tháng đầu năm 2022.
Trong báo cáo ngành thép mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng sản lượng thép bán ra của các doanh nghiệp thép hiện nay phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, việc ngành bất động sản trầm lắng trong năm 2023 sẽ kéo theo nhu cầu thép trong nước khó tăng trưởng mạnh.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Ngân sách dành cho đầu tư công trong năm 2023 cao nhất trong lịch sử, ước chi 704.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân theo mục tiêu của Chính phủ là 95%.
Chuyên gia của Mirae Asset dự phóng sản lượng thép nội địa trong năm 2023 sẽ giảm về mức 17,9 triệu tấn giảm 10,5% trước khi hồi phục về mức sản lượng 19,3 triệu tấn tăng 8% vào năm 2024.
Ở mảng xuất khẩu, các chuyên gia đánh giá việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế vẫn khó có khả năng kéo sự hồi phục của ngành thép Việt Nam bởi chính nước này vẫn đang trong cuộc khủng hoảng bất động sản. Còn thị trường châu Âu và Mỹ vẫn đang quay cuồng với lạm phát.
Trong bối cảnh đó, sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam dự kiến sẽ giảm về mức 5 triệu tấn trong năm 2023, giảm 16% so với năm 2022 và sẽ hồi phục lên 5,5 triệu tấn vào năm 2024, tăng 10%.