CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 và năm tài chính 2022.
Theo đó, doanh thu thuần quý 4/2022 của Masan đạt 20.643 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát đạt 447 tỷ đồng, giảm 93%.
Năm 2022, doanh thu thuần của Masan đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% và và LNST sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát giảm 58,3%, đạt 3.567 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong quý 4/2021 và LNST năm 2022 của Masan Consumer Holdings (MCH) và Masan High-Tech Materials (MHT) thấp hơn.
Tuy nhiên, LNST trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát ở mảng kinh doanh chính đạt 3.852 tỷ đồng năm 2022, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về các mảng kinh doanh cụ thể, trong năm 2022, The CrownX (TCX) - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và MCH ghi nhận doanh thu 56.221 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, WCM đạt doanh thu 29.369 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Quý 4/2022 và cả năm 2022, WCM đã mở mới lần lượt 253 và 730 cửa hàng WinMart+, nâng tổng số WinMart+ lên 3.268 cửa hàng.
Năm 2022, MCH đạt 28.103 tỷ đồng doanh thu thuần. Khi chuẩn hóa tác động do người tiêu dùng gia tăng dự trữ hàng hóa vào quý 3/2021 và quý 4/2021, doanh thu MCH giảm 11,8% trong quý 4/2022 và tăng 2,4% trong năm 2022. Doanh thu sụt giảm trong quý 4/2022 chủ yếu do MCH kế hoạch cung ứng chặt chẽ hơn trong bối cảnh tâm lý người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để đảm bảo mức tồn kho an toàn và bền vững tại các nhà phân phối, từ đó giúp MCH có khởi đầu thuận lợi vào năm 2023.
Phúc Long (PLH) đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022 và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA. Trong quý 4/2022 Phúc Long mở 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 và tổng số cửa hàng mini lên 21. Song song đó, PLH cũng đã đóng các kiosk hoạt động kém hiệu quả. Việc đóng cửa các kiosk khiến PLH tốn 42 tỷ đồng chi phí.
Masan MeatLife (MML) đạt doanh thu 4.785 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 6,7% so với năm 2021 nhờ sản lượng thịt mát bán tăng. Trong quý 4/2022, EBITDA của MML âm nhẹ do biên lợi nhuận gộp của mảng trang trại giảm từ 33,9% trong quý 3/2022 xuống 11,4% trong quý 4/2022. Mặt khác, biên lợi nhuận gộp mảng thịt heo có thương hiệu cải thiện từ mức âm 5,1% trong quý 3/2022 lên 7,8% trong quý 4/2022.
Năm 2022,doanh thu của MHT tăng 14,6% lên 15.550 tỷ đồng do giá APT tăng, nhưng giảm 1,6% trong quý 4/2022 do tác động tiêu cực từ hàm lượng khoáng sản thấp hơn ảnh hưởng đến Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với Chính sách Zero COVID của Trung Quốc tác động đến nguồn cầu đối với H.C.Starck.
Techcombank (“TCB”), công ty liên kết của Masan đóng góp 4.310 tỷ đồng EBITDA trong năm 2022, tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ.
Hướng đến mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng năm 2023
Cho năm 2023, Masan nhận định môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý thắt chặt chi tiêu có thể tiếp tục tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, công ty tin rằng triển vọng vĩ mô có khả năng phục hồi sớm nhất là vào nửa cuối năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại (cả về hoạt động kinh tế và du lịch đến Việt Nam) kết hợp với những tín hiệu ban đầu về các chính sách mềm dẻo hơn của Fed cho thấy các chất xúc tác vĩ mô tích cực thúc đẩy cải thiện tâm lý tiêu dùng và từ đó hỗ trợ triển vọng kinh doanh của Masan.
Masan ước tính, trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn sẽ từ 90.000 tỷ đồng - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31%. TCX vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. LNST trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát ở các mảng kinh doanh chính (chưa bao gồm khoản thu nhập 1 lần) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 4% đến 30%.
Trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn như dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, ban điều hành ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 10% đến 15%.
Trong đó, TCX dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 65.000 tỷ đồng đến 72.300 tỷ đồng, tăng 16% đến 29% so với năm 2022. WCM dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ, trong khi, doanh thu thuần của MCH dự kiến trong khoảng từ 30.500 tỷ đồng đến 33.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 15% - 30% so với năm trước nhờ chú trọng vào hoạt động R&D.
PLH dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.
MML dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng từ 8.500 tỷ đến 9.000 tỷ đồng, tăng 78% đến 88% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm thịt heo và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến, và việc tăng cường năng lực phân phối qua kênh WCM.
MHT dự kiến đạt doanh thu thuần từ 16.500 tỷ đồng đến 18.200 tỷ đồng, tăng 6% đến 17% so với cùng kỳ năm trước.