Theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước tính đạt 13,7% trong 2023.
Định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm 2024, Nhà điều hành đã cấp toàn bộ hạn mức cho các ngân hàng, khác với các năm trước cấp theo từng đợt.
Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 2024 có thể đạt khoảng 14% trong kịch bản cơ sở. Động lực sẽ đến từ các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, đầu tư công, kinh doanh bất động sản (BĐS), …
Dù vậy, các chuyên gia cũng nhận thấy rủi ro từ việc nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến, từ đó khiến nhu cầu tín dụng (nhất là từ phía người tiêu dùng) có thể sẽ bị dồn nén về nửa cuối năm.
Theo BSC, yếu tố chính cần theo dõi sẽ là sự phục hồi thanh khoản trên thị trường BĐS khi dư nợ BĐS hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó 64% là mục đích tiêu dùng và 36% là mục đích kinh doanh), từ đó sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng.
Thực tế cho thấy tín dụng tiêu dùng BĐS đã có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 9/2023 và bật tăng trong tháng 10/2023, trong khi lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà đang tiếp tục xu hướng giảm (hiện lãi suất năm đầu trung bình khoảng 8%) và dần trở về mức bình thường hóa.
BSC cũng kỳ vọng các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ qua sửa đổi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ giúp thị trường BĐS bắt đầu sôi động trở lại từ nửa cuối 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng thực sự cải thiện trong năm nay.
Chất lượng tài sản ổn định, NIM phục hồi
Với áp lực hình thành nợ xấu (tỷ lệ NPL cộng lại phần nợ xóa trong kỳ) còn cao trong ngắn hạn, các chuyên gia duy trì quan điểm thận trọng với chất lượng tài sản của ngành trong 2024.
“Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi dự kiến các ngân hàng duy trì tỷ lệ NPL ổn định trong 2024 so với 2023 sau khi đã xóa nợ khá mạnh mẽ trong năm qua”, chuyên gia BSC nhận định.
Khả năng về gia hạn quy định tái cơ cấu nợ (theo Thông tư 02/2023 hiện tại của NHNN, hết hiệu lực vào 30/6/2024) cũng đang được để ngỏ trong trường hợp nợ xấu tiềm ẩn tiếp tục gia tăng. Dù vậy, ngay cả khi không gia hạn, BSC cho rằng tác động lên an toàn hệ thống sẽ không phải trọng yếu do dư nợ tái cơ cấu hiện chỉ chiếm khoảng 1,09% dư nợ toàn hệ thống (theo số liệu NHNN công bố đến cuối quý 3/2023) và các ngân hàng vẫn cần hoàn thành trích lập 100% trong 2024 (sau khi đã trích lập tối thiếu 50% trong 2023).
Theo đó, dự kiến các ngân hàng sẽ ghi nhận chi phí tín dụng gia tăng ở mức độ nhẹ trong 2024, tạo điều kiện để củng cố lại bộ đệm bao phủ nợ xấu khi phần tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã gần như bị đảo ngược trong 2023.
NIM dự kiến bật tăng trong 2024 nhờ mức nền mới của chi phí huy động, là động lực chính cho sự cải thiện về tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành.
BSC cho rằng sẽ có sự phân hóa về mức độ phục hồi NIM của ngành trong 2024. Các ngân hàng chịu ảnh hưởng nhất trong 2023 khi chi phí huy động tăng đột biến vào đầu năm được kỳ vọng sẽ có mức độ phục hồi đáng kể nhất trong khi các ngân hàng có lợi thế về CASA ổn định hay có danh mục cho vay đẩy mạnh mảng bán lẻ được kỳ vọng sẽ duy trì NIM ổn định và có xu hướng cải thiện nhẹ.
Yếu tố bất ngờ có thể đến từ tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng, đặc biệt là những chuyển biến tích cực trên thị trường BĐS, từ đó giúp các ngân hàng cải thiện được lãi suất đầu ra. Chỉ báo sớm cho việc nhu cầu tín dụng quay trở lại có thể đến từ thời điểm các nhà băng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi trở lại, cho thấy có áp lực tăng cường huy động để hỗ trợ giải ngân.