Tâm thế giao dịch của nhà đầu tư ngoại so với các cá nhân và tổ chức trong nước vẫn là hoàn toàn khác biệt. Các diễn biến của đáo hạn phái sinh hay trạng thái muốn nghỉ ngơi trước Tết chỉ là mối bận tâm với dòng tiền nội.
Nguồn Fiintrade.Trong phiên sáng nay, tiền ngoại đã vào ròng thị trường gần 240 tỷ đồng thì trong phiên chiều khối ngoại đổ vào còn gấp hơn 2 lần con số này. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE đạt hơn 790 tỷ đồng.
Phiên mua ròng mạnh thứ 2 kể từ đầu năm 2023.Cũng theo thống kê của chúng tôi, đây là phiên mua ròng lớn thứ 2 của khối ngoại từ đầu năm 2023, qua đó nâng giá trị mua ròng trên sàn lên con số 2.164 tỷ đồng. Nếu như loại đi giao dịch thỏa thuận đột biến tại EIB, quy mô phải là trên 5.000 tỷ đồng.
Ở phiên hôm nay, tỷ trọng của VN30 đạt 73,23% trong tổng giá trị mua ròng của khối ngoại và những mã được mua ròng mạnh nhất như SSI (+3,16%), VIC (+1,23%), CTG (+1,14%), VCB (+3,33%), VRE (+1,19%), MSN (+2,1%) đều vận động theo hướng tích cực.
Với sự xuất hiện của các mã như VCB, VIC, MSN, rung lắc vào thời điểm 14h với thị trường không còn là trở ngại cho chuyển động của VN-Index và VN30. Cả 2 chỉ số gần như đều đóng cửa sát mức cao nhất phiên trong đó VN30 chốt tại 1.121 điểm, sát mức đóng cửa của VN30F2301.
Sắc xanh lại được mở rộng ngay lên trên 60% số mã của sàn. Biên độ của các cổ phiếu bám chặt theo vận động của VN30 nên vẫn chưa có nhiều gương mặt nổi trội cuối phiên. Một số mã như PVT (+4,9%), SSI (+3,16%), VND (+3,72%), GMD (+4,71%) có thể được xem là tích cực nhất.
Nguồn Fiintrade.VN-Index chốt phiên tăng 0,89% lên 1.108 điểm. Mức tăng này gần như là tốt nhất châu Á và dần đáp ứng kỳ vọng đuổi kịp các chỉ số trong khu vực. Khối lượng giao dịch cũng là điểm sáng bởi đây là phiên thứ 3 liên tiếp có thanh khoản cao hơn mức bình quân 20 phiên, đạt 617,71 triệu đơn vị, tương đương 11.729 tỷ đồng.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index khép phiên với mức tăng lần lượt là 0,98% và 0,6%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 1.400 tỷ đồng.