Danh sách 74 mã cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 2/2023 gồm AST, BCE, CIG, DLG, DXV, FDC, HVN, HU1, HU3, ITA, JVC, MCG, OGC, NVT, PTL, RDP, SCD, SII, SJD, TCR, TNI, TTF, VDS,..., tăng thêm 9 mã so với đầu quý 1/2023.
Bên cạnh đó, danh sách 74 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ quý 2 còn một số mã có thời gian niêm yết dưới 6 tháng nên chưa thể tham gia giao dịch margin như ACG, hay chứng chỉ quỹ FUEVTVGF4 của Quỹ đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 4, Chứng chỉ quỹ ETF Kim Growth VNFINSELECT (FUEKIVFS). Ngoài ra, một loạt chứng chỉ quỹ bị cắt margin do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp (FUEKIV30, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3).
Cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) trong diện kiểm soát của HoSE cũng không thể giao dịch ký quỹ. Đến thời điểm này Vietnam Airlines đã duy trì 12 quý lỗ liên tiếp, tháng 2/2023, HoSE đã có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN. Lý do được phía HoSE đưa ra là tại báo cáo tài chính quý 4 của HVN, số lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2022 là 10.452,6 tỷ đồng. Ngoài ra, số lỗ lũy kế đơn vị này tính đến thời điểm 30/12/2022 là 34.199,5 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.
Căn cứ theo theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cổ phiếu của một công ty có thể bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Đây không phải lần đầu tiên HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Hồi tháng 9/2022, Sở đã có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự, khi đó số lỗ lũy kế của đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.
Với cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim, lý do cắt margin là do lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2022 là con số âm. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán với lợi nhuận sau thuế giảm sâu từ mức âm 66,7 tỷ đồng lên âm 125 tỷ đồng.
Giải trình về việc này, theo Nam Kim, lợi nhuận giảm chủ yếu do giá vốn tăng. Giá vốn trước kiểm toán là 21.529 tỷ đồng tuy nhiên sau kiểm toán chênh thêm 60,8 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng hàng tồn kho tại công ty con Ống thép Nam Kim và không thực hiện loại trừ lỗ chưa thực hiện năm nay đối với công ty con "Ống thép Nam Kim".