Theo số liệu vừa công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong tháng 2/2024, cả nước có 8.592 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký mới đạt 67.262 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 50.888 người, tăng 2,6% về vốn đăng ký và giảm 0,3% về số lao động đăng ký so với cùng kỳ.
Cũng trong tháng 2, có thêm 5.340 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung hai tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.097 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng năm 2024 là 22.128 doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký thành lập trong 2 tháng năm 2024 đạt 218.713 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Và số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng là 154.327 người, tăng 29% so với cùng kỳ.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng năm 2024 là 519.595 tỷ đồng (giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 218.713 tỷ đồng (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 300.882 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023).
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 2 tháng năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hai tháng đầu năm có 12/17 ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Khai khoáng (tăng 28,8%); vận tải kho bãi (tăng 26,5%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 21,5%); bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 20,2%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 19,4%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (tăng 19,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 17,4%); giáo dục và đào tạo (tăng 16,3%); xây dựng (tăng 6,8%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 2,9%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 2,5%); kinh doanh bất động sản (tăng 0,4%).
Trong khi đó, các ngành: Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác lại ghi nhận mức giảm 0,4%; ngành sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 0,7%); ngành thông tin và truyền thông (giảm 0,9%); ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 5,9%); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 8,7%)…
Cũng trong hai tháng đầu năm 2024, cả nước có thêm 18.969 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Ngược lại, trong hai tháng đầu năm, cả nước có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 78,2%).
Cụ thể, có 49.272 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp trong số này có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm (22.273 doanh nghiệp, chiếm 45,2%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ dưới 10 tỷ đồng (44.265 doanh nghiệp, chiếm 89,8%, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Có 10.034 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ và 3.671 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ.