Những thống kê về kết quả hoạt động xuất khẩu trên Amazon năm 2022 cho thấy bức tranh sáng màu với tiềm năng lớn của thương mại điện tử xuyên biên giới thời kỳ sau đại dịch của Việt Nam. Nhiều thương hiệu và doanh nghiệp Việt thành công trong việc đưa sản phẩm Việt ra thế giới như SunHouse, AnEco, Lafooco, ChicnChill.
Dù nền kinh tế toàn cầu hồi phục chưa đồng đều hậu đại dịch, Thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu và Việt Nam vẫn chứng kiến sự tăng trưởng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được dự báo đạt mức 28,4% mỗi năm trong giai đoạn từ 2020-2027. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam cũng dự kiến tăng hơn 20% mỗi năm .
Theo thống kê của Amazon, trong 12 tháng (từ 1/9/2021 đến 31/8/2022), các đối tác bán hàng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên nền tảng này. Cụ thể, gần 10 triệu sản phẩm “Made in Vietnam được bán ra cho khách hàng toàn cầu trên Amazon. Số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên nền tảng tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng thương mại điện tử này gồm dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân, tiện ích gia đình.
Các thị trường quốc tế được các nhà bán hàng Việt Nam khai thác khá phong phú, từ khu vực Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada, Mexico), châu Âu (8 nước là Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Thuỵ Điển) và một số quốc gia khác như Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Saudi Arabia... Tổng dân số của các thị trường này lên tới hơn 2 tỷ người với hàng tỷ lượt truy cập vào Amazon mỗi năm.
Bà Lại Việt Anh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ: “Thương mại điện tử Việt Nam đang đạt mức phát triển rất khả quan. Trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thương mại điện tử là điểm sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam, là 1 trong những lĩnh vực tăng trưởng với 2 con số.
Trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, chúng tôi hướng tới nâng cao năng lực quản lý các hoạt động cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để lĩnh vực này tăng tốc”.
Lãnh đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh sau dịch bệnh, thương mại điện tử đang phục hồi và dự kiến đạt tăng trưởng 25-28% trong năm nay. Hiện tại, thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ 3 ở khu vực và tăng trưởng nhanh hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển ở lĩnh vực này nhanh nhất thế giới.
Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ: “Với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online”.
Vị này đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ xuất khẩu, tạo điều kiện cho sự tham gia của người bán hàng Việt Nam trên thế giới.
Thực tế, hàng hóa của Việt Nam còn gặp nhiều rào cản trong việc chấp hành các tiêu chuẩn và quy định, như quy định về xuất khẩu hay giấy tờ, thủ tục. Bảo hộ thương hiệu cũng cũng đang là một vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp Việt.
Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh rằng trên Amazon có hàng tỷ sản phẩm và do đó việc sao chép và bán hàng với giá rẻ sẽ không có sức hấp dẫn đối với khách hàng và cũng khó để cạnh tranh. Việc người bán biết cách bảo vệ khách hàng, bảo vệ thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia sẽ làm tăng niềm tin của khách, từ đó phát triển toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.