Hiệu ứng sụt giảm niềm tin, doanh nghiệp đối mặt với khó khăn chưa từng có do thiếu vốn

Vừa khó khăn thiếu vốn, doanh nghiệp còn đối diện thêm hiệu ứng suy giảm niềm tin lan rộng trên một số thị trường...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn”.

Đây là khó khăn lớn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, được Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính, Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) tổng hợp và báo cáo các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 gửi lên Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây.

Tổng hợp và báo cáo các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của Ban IV gửi lên Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tổng hợp và báo cáo các thách thức lớn nhất của doanh nghiệp các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của Ban IV gửi lên Thủ tướng Phạm Minh Chính

Vay tín chấp để trả lương, bán hàng dưới giá vốn...

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết, thời gian gần đây, do đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành, lĩnh vực đều sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, đã làm cho nguồn tài chính của doanh nghiệp có nhiều cản trở.

“Rất nhiều các doanh nghiệp như chúng tôi đều lo lắng lấy vốn ở đâu để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Do không tiếp cận được vốn lãi suất thấp, gần đây, có một số doanh nghiệp đã phải vay tín chấp ngân hàng để trả lương công nhân thay vì mua nguyên liệu và đầu tư cho sản xuất với mức lãi suất rất cao”, ông Lại Hoàng Dương quan ngại.

Theo Ban IV, thách thức rất lớn về việc tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

“Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn hai năm dịch bệnh”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV nêu rõ.

Đặc biệt, doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn.

Cụ thể, doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

Doanh nghiệp nông nghiệp phản ánh về việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, việc xây dựng bằng vốn đầu tư công cũng đang đình trệ, khiến nhóm doanh nghiệp này thực sự khủng hoảng.

“Sau hơn hai năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhìn nhận.

Hiệu ứng sụt giảm niềm tin lan rộng

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, theo Ban IV, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.

Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.

“Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo; thậm chí thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy quan ngại.

Cần tính "các giải pháp đặc biệt"?

Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, Ban IV và các hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,...

Đối với thách thức liên quan thị trường tài chính, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham vấn các chuyên gia tài chính, chính sách uy tín trong nước, quốc tế để đánh giá bối cảnh và nhận diện giải pháp. Trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

“Để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy đề xuất.

Mặt khác, với chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, cần thiết phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất,... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Chat với BizLIVE