Năm 2021, dư khoảng 1,5 tỷ đồng không sử dụng đến, anh Quang Thắng (Hà Nội), bắt đầu nghĩ tới chuyện đầu tư bất động sản. Khảo sát tại ven Hà Nội, nhưng anh không dám xuống tiền vì nhận thấy giá bất động sản đã tăng cao, với số tiền này anh chỉ mua được vài chục m2.
Được nhiều bạn bè khuyên nên về tỉnh đầu tư sẽ có nhiều cơ hội tăng giá hơn, anh Thắng di chuyển về các tỉnh để khảo sát, cuối cùng anh quyết định xuống tiền mua mảnh đất rộng 150m2, tại Hà Nam, với giá 1,4 tỷ đồng, tương đương 9,3 triệu đồng/m2.
Thời điểm khoảng tháng 4/2021, cơn sốt đất bao phủ mọi miền trên cả nước, tại khu vực mảnh đất anh mua cũng không ngoại lệ. Theo đó, đến đầu năm 2022, mảnh đất của anh được trả với giá 2,5 tỷ đồng, lãi 1,1 tỷ đồng so với thời điểm mua. Thấy giá tăng nhanh anh Thắng cũng thấy lo nên đồng ý bán ngay.
“Tôi cũng là dân kinh tế, nên thấy bất kỳ thị trường nào tăng nóng cũng dự đoán được rủi ro. Hơn nữa, tôi đi khảo sát nhiều tỉnh thấy đa phần là dân đầu tư mua bán với nhau, còn nhu cầu thực chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nên tôi quyết định bán. Sau khi bán xong, tôi tiếp tục vay mượn người thân để đầu tư bất động sản tiếp nhưng lần này tôi mua về trung tâm”, anh Thắng nói.
Đến tháng 5 vừa qua, dù thị trường bất động sản đã chững lại nhưng anh Thắng vẫn quyết định mua một căn nhà ở mặt phố trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với diện tích 40m2, với giá 6 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đồng/m2. Trong đó, anh bỏ thêm 1,5 tỷ đồng, cùng với số tiền bán mảnh đất đã đầu tư trước đó và vay người thân được thêm 2 tỷ đồng.
“Dù đi vay nhưng tôi đã tính toán khả năng chi trả, hơn nữa là vay người quen nên lãi suất cũng rẻ hơn ngân hàng. Tôi mua xong thì sửa sang lại và cho thuê được ngay với giá 30 triệu đồng/m2. Dù số tiền thu được từ cho thuê không đáng so với đầu tư đất trong thời điểm sốt nhưng tôi thấy an toàn”, anh Thắng nói.
Tương tự anh Thắng, anh Thành Đạt, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, sau nhiều thương vụ đầu tư lớn trong 2 năm qua tại thị trường bất động sản tỉnh, anh lãi được số tiền khoảng hơn 8 tỷ đồng. Anh quyết định quay về Hà Nội mua một căn nhà ở mặt phố tại Hà Đông (Hà Nội) với giá 6 tỷ đồng, rộng 42m2 và một căn chung cư rộng 63m2 tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) với giá 2,2 tỷ đồng để cho thuê.
“Sau 2 năm đầu tư ở thị trường tỉnh, lãi cũng nhiều nhưng tôi thấy chủ yếu là đầu cơ, lướt sóng. Do vậy, tôi quyết định mua về trung tâm để cho thuê. Thời điểm đầu năm tôi mua ở Hà Nội, sốt đất ở các tỉnh vẫn diễn ra mạnh, nhiều người bảo tôi đang kiếm được thì tiếp tục đầu tư nhưng tôi thấy quá rủi ro. Bây giờ thì thấy về trung tâm là đúng, nhà đất vẫn là của mình nhưng tôi có nguồn thu nhập thụ động”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Thực tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thuê nhà, mặt bằng kinh doanh đang phục hồi tốt, bên cạnh đó, giá cho thuê cũng tăng theo. Theo báo cáo quý 3/2022 của Batdongsan.com.vn, ước tính, mức độ quan tâm đến bất động sản bán tại Hà Nội giảm 3% so với quý 1/2022, nhưng nhu cầu tìm thuê bất động sản Hà Nội lại tăng 58%.
Tại TP.HCM, lượng quan tâm bất động sản bán và cho thuê trong quý 3/2022 đều tăng so với quý 1/2022, trong khi mức tăng của phân khúc bán là 19% thì phân khúc cho thuê tăng đến 70%.
Loại hình bất động sản cho thuê dẫn đầu cả 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM về mức độ quan tâm là chung cư. Nhu cầu tìm thuê chung cư Hà Nội trong quý 3 tăng khoảng 13% so với quý trước, còn mức tăng ở TP.HCM là 24%.
Giá cho thuê chung cư cũng tăng đều ở nhiều quận. Đơn cử, giá cho thuê chung cư quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng từ 14 đến 16% so với quý trước. TP.HCM chứng kiến xu hướng tương tự, giá cho thuê chung cư Quận 4, Quận 1 và Bình Thạnh tăng lần lượt là 14%, 12% và 13%.