
Ngày 6/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Chỉ số này được thực hiện định kỳ từ năm 2005, là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.
Kết quả PCI 2024 được đưa ra dựa trên khảo sát từ 11.000 doanh nghiệp. Tương tự năm ngoái, PCI 2024 chỉ đề cập 30 địa phương có điểm số cao nhất, nhằm khuyến khích nỗ lực thay đổi của các tỉnh, thành dẫn đầu.
Từ vị trí thứ 3 năm trước, Hải Phòng đã vươn lên xếp hạng nhất trong danh sách này với 74,84 điểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thành phố này nằm trong top 3 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất đồng thời cũng duy trì chuỗi 7 năm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI.
Theo báo cáo PCI 2024, 7 trong 10 lĩnh vực điều hành của TP Hải Phòng được các doanh nghiệp ghi nhận cải thiện hơn so với năm 2023. Các lĩnh vực này gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Trong khi đó, sau nhiều năm dẫn đầu xếp hạng PCI, Quảng Ninh lùi về vị trí thứ hai, với 73,20 điểm. Tiếp đó là Long An (72,64 điểm) và Bắc Giang (71,24 điểm).
Các địa phương còn lại trong top 10 gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và Hưng Yên.
Hà Nội có cải thiện thứ hạng PCI, tăng 4 bậc lên vị trí thứ 24. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tụt hạng xuống thứ 29 (giảm 2 bậc).
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, điểm số trung vị của các địa phương đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, điểm số này vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Ngoài ra, chỉ số PCI gốc - chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi - đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. "Đây là kết quả sự bền bỉ, kiên trì cải cách của các địa phương và giám sát từ cộng đồng doanh nghiệp", ông Công nói.
Theo báo cáo của VCCI, kết quả khảo sát PCI năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Song, kết quả này cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật và sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương.
VCCI cho rằng, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công-tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách. Việc này để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.