Từ năm 2014 đến nay, hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (những năm đầu là Nghị quyết 19 và từ năm 2019 là Nghị quyết 02 với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể).
Những nỗ lực về cải cách, cải thiện MTKD được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Tuy vậy, trong năm 2022, khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện MTKD, thì mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu
Ngày 10/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Nghị quyết đã thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành hơn 10 văn bản có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện MTKD, trong đó nhấn mạnh tới cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Anh Văn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Lê Anh Văn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt NamTuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại trong môi trường kinh doanh. Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường…), là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
“Do những chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật, dẫn đến những cách hiểu về pháp luật của các bộ ngành và địa phương là khác nhau hoặc do bảo vệ quan điểm của đơn vị mình là đúng, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong qua trình thực hiện”, ông Lê Anh Văn đánh giá.
Đặc biệt, chi phí tuân thủ pháp luật đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Đơn cử, để tuân thủ tục về phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn trong khi nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; hay để làm thủ tục rút lui khỏi thị trường, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để xin dấu của cơ quan thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội, rồi mới đến khâu đóng mã số thuế… Quá trình này mất nhiều thời gian, làm mất đi cơ hội khởi nghiệp mới của doanh nghiệp.
“Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp luôn phải tự tìm hiểu các quy định pháp luật để vận hành đúng quy định. Tuy vậy, tôi cho rằng, dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng ta luôn phải quan tâm đến doanh nghiệp. Từ đó thay đổi tư duy quản lý sang phục vụ thấu hiểu doanh nghiệp, đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động khó lường đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lê Anh Văn bày tỏ.
Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nghị quyết 02/2022 đã đặt ra 10 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó, chú trọng vào các cải cách liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Song, qua theo quan sát và theo dõi, bà Thảo cho rằng những cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gần như chưa thực hiện.
“Dường như các bộ ngành chưa có động thái nào liên quan đến rà soát những ngành nghề đầu kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực của mình đang tạo ra rào cản gì? Có cần thiết không? Và kế hoạch nào để điều chỉnh hay sửa đổi danh mục đó không? Qua rà soát sơ bộ, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện được rộng hơn rất nhiều so với số lượng được quy định trong danh mục Luật Đầu tư”, bà Thảo quan ngại.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEMTrong khi đó, việc cắt giảm điều kiện doanh theo Nghị quyết 68-NQ/CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 dù đã một số bộ ngành và địa phương cũng thực hiện. Nhưng, trên thực tế, những điều kiện được cắt giảm chủ yếu các thủ tục về hành chính hoặc không có ý nghĩa nhiều với doanh nghiệp.
Đáng quan ngại, trong khi nhiều vướng mắc, rào cản chưa được tháo gỡ thì trong một số ngành lĩnh vực lại bị kiểm soát chặt chẽ hơn, khó khăn hơn. Doanh nghiệp đang lo lắng với tình trạng thanh tra kiểm tra tràn lan với tần suất thường xuyên, đặc biệt trong dịp cuối năm.
“Tình trạng trạng thanh tra kiểm tra dường như còn rộng hơn và nhiều hơn trước đây. Chúng ta dường như quên đi Chỉ thị 20 của Chính phủ về việc thanh tra 1 lần và giảm tối thiểu hoạt động thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp”, bà Thảo nói.
Ngay cả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dù đã đem lại kết quả ban đầu, song vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.
Liên quan đến những gói hỗ trợ về thuế như giảm thuế VAT 2%, dù được đánh giá dễ dàng tiếp cận, nhưng doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện quá ngắn, chỉ kéo dài đến hết năm 2022. Trong khi bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi với áp lực nặng nề từ thị trường suy giảm, những áp lực nặng nề chi phí về giá cả.
Hay, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, thời gian đầu doanh nghiệp rất kỳ vọng vào gói hỗ trợ sẽ tạo đòn bẩy tài chính tốt cho doanh nghiệp, nhưng qua khảo sát thì doanh nghiệp không dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ này, và gần gần như tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực sự
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã nêu lên thực trạng từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thì mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
“Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ rõ.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tưĐáng chú ý, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).
“Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo kinh tế Việt Nam thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn. Đây cũng là tinh thần xây dựng Nghị quyết 02 cho năm 2023 của Chính phủ trong thời gian tới.
Về giải pháp, theo bà Nguyễn Minh Thảo, dù tỷ lệ kết nối thủ tục hành chính thông qua môi trường điện tử khá là cao, song vẫn chỉ là hình thức. Trên thực tế, doanh nghiệp rất khó để thực hiện giấy tờ trên nền tảng điện tử và chỉ có ít thủ tục thực hiện được.
“Như vậy, đẩy nhanh các thủ tục hành chính qua môi trường điện tử được coi là một trong những kênh hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Thảo nêu.
Ngoài ra, các bộ ngành và địa phương có thể thay đổi nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến văn bản pháp lý, quy định pháp luật, thủ tục hành chính, để doanh nghiệp có thể tiếp cận và cơ hội tuân thủ pháp luật đúng.
“Nếu chúng ta thực hiện các giải pháp cải cách một cách thực chất, mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, thì trong bất k hoàn cảnh khó khăn nào, doanh nghiệp Việt rất có thể sáng tạo, tìm ra nhiều cách làm mới, từ đó phục hồi qua giai đoạn khó khăn, đồng thời có định hướng phát triển trong tương lai. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới”, bà Thảo tin tưởng.