Như thông tin cập nhật thời gian qua, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng có hướng dẫn và tổ chức triển khai nhưng kết quả thực tế rất hạn chế.
Các kỳ cập nhật sau đó cho thấy chương trình hỗ trợ này (gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay) có mức độ giải ngân gần như không đáng kể, trong khi quy mô nguồn hỗ trợ ngân sách lên tới 40.000 tỷ đồng, dự kiến áp dụng cho hai năm 2022 và 2023 (hoặc sớm giải ngân hết gói).
Năm 2022 đã trôi qua, bối cảnh và tình hình kinh tế, môi trường sản xuất kinh doanh đã có nhiều thay đổi, giá trị của thời điểm hỗ trợ cũng bị mai một, các đầu mối đang phải tiếp tục tìm các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc.
Xác định lại điều kiện “có khả năng phục hồi”
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ trên có 3 vướng mắc chính: (1) Khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (2) Quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi”; và (3) Một số hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.
Trong đó, theo Ngân hàng Nhà nước, quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” là vướng mắc đáng chú ý nhất, vì khó xác định và khó khẳng định trong bối cảnh hiện nay.
Trước những vướng mắc và thực tế giải ngân hỗ trợ quá thấp thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình gửi Chính phủ, cùng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 về cơ chế trên.
Điểm nhấn trong đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung và nêu hướng sửa đổi quy định khách hàng “có khả năng phục hồi” là khách hàng đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) theo quy định hiện hành.
Theo đó, sửa đổi Khoản 4 Điều 3 Nghị định 31 như sau: “Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất. Khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi là khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này”.
Theo Ngân hàng Nhà nước, để tạo điều kiện thông thoáng, dễ thực hiện cần hướng dẫn “có khả năng phục hồi” nghĩa là “đáp ứng điều kiện cho vay”, thay vì các tiêu chí cụ thể khác.
Lý do, thứ nhất, tạo thuận lợi cho NHTM và khách hàng trong triển khai chính sách. NHTM và khách hàng không cần xem xét các tiêu chí khác mà chỉ cần đáp ứng các quy định hiện hành về điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Thứ hai, nếu hướng dẫn “có khả năng phục hồi” theo các tiêu chí cụ thể khác (tiêu chí định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, hoặc tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng…) thì cũng không giải quyết được căn cơ vướng mắc thực tế của cả NHTM và khách hàng.
Căn cơ vướng mắc, theo Ngân hàng Nhà nước cho biết là bản thân nhiều khách hàng không dám khẳng định phục hồi trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Trường hợp khẳng định các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các NHTM và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách.
Giảm thiểu e ngại hậu kiểm, bỏ điều kiện có đăng ký kinh doanh
Ngoài hướng sửa điều kiện “có khả năng phục hồi” nói trên, các vướng mắc khác cũng đã có ý kiến góp ý từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo VCCI, đối với vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát tại Nghị định 31 chưa thực sự rõ ràng.
Nghị định này mới chỉ quy định theo hướng Ngân hàng Nhà nước và Tổ công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được hỗ trợ lãi suất, tổ công tác liên ngành làm việc theo quy chế do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành quy chế này và cũng chưa có quy định cụ thể hơn để các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng hoạt động kiểm tra tại Nghị định này không gây chi phí quá mức một cách không cần thiết cho doanh nghiệp.
VCCI cho rằng, nếu có quy định minh bạch, rõ ràng hơn có thể phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung.
Đó là quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ Công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng.
Hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các ngân hàng thương mại. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.
Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, VCCI phân tích: hiện nay, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31 hiện đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất. Quy định này vô hình chung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.