Sau gần 3 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% từng gây thất vọng khi mới chỉ thực hiện được hơn… 1 tỷ đồng. Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ và thúc đẩy, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục họp, hội nghị quán triệt triển khai…
Đến nay, giải ngân khoản vay hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp vẫn chưa được như kỳ vọng, theo nhận định của Chính phủ, trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng ký và gửi đến Quốc hội.
Trước hết, báo cáo cho biết, về việc thực hiện và giải ngân các chính sách, đến 30/9/2022 mới đạt trên 61.000 tỷ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của chương trình.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã thông báo bổ sung kinh phí thực hiện cho 22 địa phương với 4.149 tỷ, đến 23/9/ 2022 đã giải ngân hơn 3.544 tỷ, hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5.000.000 người lao động, vượt số đối tượng hỗ trợ so với mục tiêu tại thời điểm xây dựng là 4.000.000 lao động.
Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội đến 30/9 đã giải ngân thực hiện 5/5 chương trình tín dụng chính sách đạt 10. 741.tỷ đồng cho gần 240.000 đối tượng khách hàng vay vốn.
Riêng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp hợp tác xã gia đình đến hết tháng 9 mới giải ngân hỗ trợ khoảng 29 tỷ đồng, tạm tính doanh số hỗ trợ lãi suất trên 15 nghìn tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt trên 13 nghìn tỷ đồng. Kết quả giải ngân thực hiện chính sách này, theo đánh giá của Chính phủ là còn chưa đạt kỳ vọng.
Với các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, báo cáo cập nhật đến 28/9, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế phí lệ phí khác là 39.422 tỷ đồng. Đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 97.895 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Về việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình báo cáo nêu rõ Quốc hội đã phê duyệt mức tăng bội chi để thực hiện chương trình tối đa 240 nghìn tỷ đồng gồm chi đầu tư phát triển tối đa là 176 nghìn tỷ đồng và giảm thu ngân sách nhà nước thông qua thực hiện các chính sách 64 nghìn tỷ đồng, bội chi năm 2022 tối đa là 102,8 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời nhu cầu nguồn lực cần được tính toán cụ thể trên cơ sở vận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và khả năng giải ngân để xây dựng phương án huy động phù hợp từng thời điểm.
Đối với nhu cầu nguồn lực thực hiện chương trình trong năm 2022 dự kiến là 82,585 nghìn tỷ đồng, trong đó đối với khoản dự kiến giảm thu 64 nghìn tỷ đồng đến thời điểm hiện tại dự kiến không phải tăng bội chi do khả năng thu ngân sách nhà nước của năm 2022 vượt dự toán.
Đối với khoản chi đầu tư phát triển 38,15 nghìn tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt dự kiến cũng không cần huy động vốn để thực hiện do có thể sử dụng nguồn tăng thu cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022.
Đối với nhu cầu nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 Chính phủ cho biết đã tổng hợp nhu cầu nguồn lực thực hiện chương trình còn lại năm 2023 trong quá trình xây dựng dự toán năm 2023 để báo cáo Quốc hội.
Việc huy động nguồn lực cụ thể trong năm phụ thuộc vào tình hình thu chi ngân sách nhà nước, điều kiện thị trường trong và ngoài nước trong đó sẽ tập trung huy động từ nguồn trái phiếu chính phủ nội tệ và vay ODA và vốn ưu đãi nước ngoài. Việc huy động các nguồn vốn vay hợp pháp khác để đảm bảo nguồn lực cho chương trình sẽ chỉ được thực hiện khi nhu cầu huy động vốn tăng cao và huy động từ các nguồn trên không đáp ứng đủ, Chính phủ nêu định hướng.
Đánh giá những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, Chính phủ cho rằng việc thực hiện và giải ngân một số chương trình đã được ban hành còn chưa được như kỳ vọng. Một số chính sách có kết quả giải ngân còn thấp so với quy mô một lực như chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cụ thể hơn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất gặp khó khăn được Chính phủ giải thích là do xác định đối tượng hỗ trợ còn khó khăn đối với trường hợp khách hàng hoạt động kinh doanh đa ngành. Tâm lý e ngại một số ngân hàng thương mại khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất khi một số chính sách hỗ trợ trước đây chưa được quyết toán đầy đủ. Một số đối tượng được thụ hưởng không có nhu cầu do e ngại công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
Ngoài ra, việc huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ còn khó khăn khi mức lãi suất phát hành chưa đủ hấp dẫn nhà thầu trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng tăng, Chính phủ nhìn nhận.