Giá dầu mất 3% giá trị bởi loạt tin bất lợi

Dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 3,9 triệu thùng trong tuần gần nhất lên 440,8 triệu thùng, quy mô hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ gần đây đã lên tương đương 12,1 triệu thùng dầu/ngày.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá dầu giảm hơn 3USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi số liệu ngành công bố cho thấy rằng dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng cao hơn so với kỳ vọng và bởi những lo lắng rằng khi số lượng ca nhiễm COVID-19 tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc tăng lên sẽ khiến cho nhu cầu nhiên liệu đi xuống.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai giảm 2,71USD/thùng tương đương 2,8% xuống 92,65USD/thùng. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai đóng cửa ở mức 85,83USD/thùng, mức giảm 3,08USD/thùng tương đương 3,5%. Trước đó vào ngày thứ Ba, cả hai loại giá dầu giảm khoảng 3%.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng 3,9 triệu thùng trong tuần gần nhất lên 440,8 triệu thùng, quy mô hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ gần đây đã lên tương đương 12,1 triệu thùng dầu/ngày. Các chuyên gia phân tích đã dự báo về mức tăng 1,4 triệu thùng dầu.

“Báo cáo sản lượng mới nhất thêm một lần nữa phát đi tín hiệu trái chiều, dự trữ dầu thô tăng lên và sản xuất nội địa tăng trưởng”, theo giám đốc tại quỹ Again Capital LLC ở New York – ông John Kildull phân tích.

Dự trữ xăng tại Mỹ giảm 900.000 thùng/ngày trong tuần vừa qua xuống còn 205,7 triệu thùng, theo công bố của EIA, mức giảm này thấp hơn dự báo 1,1 triệu thùng của các chuyên gia. Dự trữ các sản phẩm khác trong đó có bao gồm dầu diesel và dầu đốt nóng giảm ước tính khoảng 500.000 thùng, mức hạ thấp hơn so với kỳ vọng.

“Gây ra thêm áp lực suy giảm chính là những nỗi lo liên quan đến diễn biến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tạo ra những điều chỉnh về dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, chuyên gia thuộc quỹ Ritterbusch and Associates – ông Jim Ritterbusch nhấn mạnh trong nghiên cứu.

Trong tuần trước, thị trường đã tin vào kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể đang hướng đến việc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, tuy nhiên trong cuối tuần qua, giới chức y tế Trung Quốc đã khẳng định họ sẽ vẫn giữ cách tiếp cận cứng rắn với các ca nhiễm mới.

Số lượng ca nhiễm COVID-19 mới tại Quảng Châu và nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã tăng vọt, hàng triệu người lao động tại các trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc bị buộc phải thực hiện các đợt xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ Tư.

“Khi mà khả năng Trung Quốc nới lỏng kiểm soát đang giảm đi, cùng lúc đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng, nhu cầu ở phía Mỹ không cao như dự báo, đồn đoán về khả năng suy thoái kinh tế ngày một lớn dần, giá dầu chắc chắn chịu nhiều sự tác động”, chuyên gia quản lý tại quỹ SPI Asset Management – ông Stephen Innes phân tích.

Đồng USD mạnh lên khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác, yếu tố này cũng tạo ra nhiều sức ép lên giá dầu. Đồng USD tăng giá so với các loại tiền tệ lớn bởi kết quả cho đến nay của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ đã làm giảm đi những kỳ vọng vào khả năng Đảng Cộng hòa nắm kiểm soát Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, nỗi lo về nguồn cung vẫn hiện hữu. Quy định cấm dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) chính thức sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022, động thái này được đưa ra để đáp trả cho việc Nga để cho căng thẳng Nga – Ukraine leo thang.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Lãi suất trên thế giới đang mỗi nơi một đường

Lãi suất trên thế giới đang mỗi nơi một đường

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã từng sát cánh hợp tác cùng nhau chống lạm phát. Nhưng đến nay, họ bắt đầu có xu hướng phân tán. Trong khi các cơ quan hoạch định chính sách ở châu Âu trở nên ôn hòa hơn thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn thận trọng về việc cắt giảm quá sớm.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE