Đáng chú ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp, cả 6 ngân hàng này đều có mặt trong danh sách của Forbes.
6 ngân hàng niêm yết tốt nhất Việt Nam theo Forbes
Các ngân hàng trong Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất theo Forbes từ 2021-2023
Để vào danh sách top 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes, các doanh nghiệp không chỉ cần phải đáp ứng các tiêu chí định tính và định lượng khắt khe mà còn phải đảm bảo duy trì sự hiệu quả và bền vững trong thời gian dài.
Trong 3 năm gần nhất, có 10 đại diện ngân hàng khác nhau góp mặt trong bảng xếp hạng nhưng chỉ có 6 ngân hàng duy trì vị trí vững chắc trong suốt 3 năm qua là Vietcombank, VIB, ACB, MBBank, VietinBank và BIDV. Đây cũng là 6 ngân hàng đã xây dựng được vị thế dẫn đầu ngành trong nhiều năm qua trong các mảng kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh các yếu tố định lượng về kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng như tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và hiệu quả sinh lời, Forbes cũng thực hiện đánh giá các yếu tố định tính để đánh giá mức phát triển bền vững, trong đó có chất lượng quản trị doanh nghiệp. Phân tích dưới đây chỉ ra một số điểm nổi bật của 6 ngân hàng hàng đầu theo đánh giá của Forbes.
Tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế và hợp tác quốc tế
Để đạt được hiệu quả kinh doanh cao và duy trì bền vững, top 6 ngân hàng niêm yết hàng đầu trong danh sách của Forbes đều là những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Cả 6 nhà băng này đều nằm trong danh sách 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel II giai đoạn 1.
Triển khai chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II tại Việt Nam của 6 ngân hàng
Vietcombank và VIB là 2 ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Trong khi đó, 4 ngân hàng còn lại cũng nhanh chóng hoàn tất trước hạn theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Với việc tiên phong triển khai thành công Basel II, top 6 ngân hàng hiện nay đều đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu theo quy định Ngân hàng Nhà nước là 8%.
Hiện nay, top 6 ngân hàng niêm yết hàng đầu của Forbes không ngừng cập nhật và triển khai áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới như Basel III và IFRS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản trị. Các chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng trên nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung phát triển bền vững và bản chất hơn, góp phần nâng cao sự minh bạch, uy tín và chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Đồng thời, việc tiên phong áp dụng các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế cũng mang lại nhiều giá trị cho cổ đông khi thu hút và xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác là các định chế tài chính và tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Cổ đông chiến lược của top 6 ngân hàng
(*) Vốn hóa và quy mô tài sản tính tại cuối năm 2022
Sự có mặt của các cổ đông chiến lược lớn là sự khẳng định cho hiệu quả hoạt động, uy tín và thương hiệu của các ngân hàng. Đồng thời góp phần xây dựng, củng cố nền tảng quản trị và vận hành vững chắc, hỗ trợ cho các chiến lược tăng trưởng dài hạn để tạo ra những dấu ấn và thành công bền vững trong tương lai.
Định hướng ngân hàng bán lẻ với rủi ro tập trung thấp
Từ mô hình các ngân hàng hàng đầu thế giới, định hướng ngân hàng bán lẻ là xu hướng tất yếu và đầy tiềm năng với thị trường hơn 100 triệu dân cùng mức thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam. Mô hình bán lẻ được chứng minh không chỉ mang lại hiệu quả tốt mà còn giúp danh mục tín dụng của các ngân hàng an toàn hơn nhờ phân tán và giảm thiểu rủi ro tập trung.
Tăng trưởng trung bình dư nợ bán lẻ (2018-2022) và tỷ lệ Dư nợ bán lẻ/Tổng dư nợ
(*) Trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng bán lẻ của các ngân hàng top đầu vượt trội đáng kể so với mức bình quân ngành. Trong 5 năm từ 2018-2022, tăng trưởng kép dư nợ bán lẻ của 6 ngân hàng này đạt hơn 31% so với trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại khoảng 26%.
Về cơ cấu, tính đến cuối năm 2022, VIB đang dẫn đầu ngành với tỷ lệ bán lẻ lên tới gần 90% danh mục tín dụng, trong khi đó ACB cũng đạt tỷ lệ gần 70%. MBBank và Vietcombank với tốc độ tăng trưởng bán lẻ trong những năm gần đây rất tốt cũng giúp tỷ lệ dư nợ bán lẻ tại 2 ngân hàng này đều gần đạt mốc 50% tại thời điểm cuối năm 2022.
Trong định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, thẻ tín dụng là một trong những sản phẩm chiến lược khi giúp các ngân hàng nhanh chóng mở rộng cơ sở khách hàng cá nhân, tăng cường sự gắn kết của khách hàng cũng như đóng góp vào tăng trưởng thu nhập của ngân hàng.
Chi tiêu thẻ tín dụng 2022 và tăng trưởng chi tiêu thẻ tín dụng so với năm 2021
(*) Trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại
Trong bối cảnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, các ngân hàng trong top 6 đều ghi nhận mức tăng trưởng và chi tiêu thẻ tín dụng rất ấn tượng. Kết quả trên đạt được nhờ việc không ngừng cải tiến và cung cấp các sản phẩm thẻ với các đặc quyền hấp dẫn, phù hợp cho từng khách hàng thông qua việc hợp tác với các đối tác thẻ hàng đầu.
Rủi ro tập trung thấp, thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp
Cùng với chiến lược phát triển bán lẻ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và phân tán rủi ro, hầu hết các ngân hàng trong top 6 cũng thể hiện quan điểm thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp.
Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng năm 2022
(*) Trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại
(**) Ngân hàng niêm yết nắm giữ trái phiếu lớn nhất
Có tới 5 trên tổng số 6 ngân hàng trong danh sách của Forbes 2023 đều nắm giữ tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp rất thấp, chỉ tối đa khoảng 1% danh mục tín dụng so với trung bình các ngân hàng đang niêm yết là 4,5%. Trong đó, ACB là ngân hàng duy nhất không có trái phiếu doanh nghiệp và nhà băng này cũng duy trì chính sách này trong nhiều năm qua.
Tăng trưởng dư nợ và doanh thu cao hơn trung bình ngành
Tăng trưởng tín dụng không chỉ là động lực phát triển chính mà nó còn phản ánh kết quả đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của các ngân hàng. Một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng Tổ chức tín dụng cũng được sử dụng làm cơ sở để cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng qua từng năm.
Tăng trưởng dư nợ trung bình hàng năm (giai đoạn 2018-2022)
(*) Trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại
Với nền tảng quản trị rủi ro chặt chẽ, tiên phong tuân thủ chuẩn mực quốc tế và các quy định do Ngân hàng Nhà nước đề ra, 4 trên 6 ngân hàng trong top 50 của Forbes 2023 đều đạt mức tăng trưởng trung bình dư nợ giai đoạn 2018-2022 cao hơn so với trung bình ngành. Điều này cũng góp phần tương quan giúp các nhà băng này đạt mức tăng trưởng doanh thu tốt trong 5 năm qua.
Tăng trưởng trung bình doanh thu (2018-2022)
(*) Trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại
Kết quả tổng thể: tăng trưởng lợi nhuận tốt cùng tỷ suất sinh lời (ROE) vượt trội, tăng cường sự hấp dẫn và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam
Tăng trưởng trung bình lợi nhuận năm và hiệu quả sinh lời vốn chủ sở hữu (ROE) là 2 tiêu chí định lượng quan trọng trong xếp hạng của Forbes.
Tăng trưởng trung bình Lợi nhuận trước thuế (2018-2022) và ROE (năm 2022) của các ngân hàng
(*) Trung bình các ngân hàng niêm yết còn lại
Với nền tảng quản trị rủi ro chặt chẽ với tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế, khẩu vị rủi ro thận trọng cùng với năng lực tài chính tốt giúp các ngân hàng trong top 6 của Forbes 2023 đều đạt được tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trong 5 năm và hiệu quả sinh lời vượt trội so với các ngân hàng niêm yết khác. Trong đó, VIB, ACB, MBBank và Vietcombank là 4 ngân hàng niêm yết có hệ số ROE cao nhất.
Tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm của các ngân hàng này cũng duy trì ổn định ở mức cao với trung bình lên tới 30%/năm nhờ việc tăng trưởng doanh thu năng động, kiểm soát tốt chi phí hoạt động và chi phí tín dụng so với trung bình ngành.
Những năm vừa qua chứng kiến nhiều sự biến động lớn về mặt kinh tế, chính trị và xã hội nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng. Các ngân hàng trong Top 6 vừa được Forbes 2023 vinh danh vừa qua không chỉ đạt được tăng trưởng bền vững, hiệu quả sinh lời tốt mà còn thể hiện nền tảng quản trị vững chắc với tiên phong trong đi đầu áp dụng các chuẩn mực quốc tế và định hướng tăng trưởng tín dụng lành mạnh theo mô hình ngân hàng bán lẻ. Đây sẽ là nền tảng tốt để các ngân hàng trên duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định, mang lại các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đồng thời tăng cường sự hấp dẫn và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.