Báo cáo mới công bố của FiinRatings cho biết, tín dụng tăng tốc trong tháng 6, báo hiệu mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đã dần khởi sắc. Chỉ riêng trong tháng 6, dư nợ tín dụng đã tăng thêm 3,6%, cao hơn tốc độ của 5 tháng đầu cộng lại.
Số liệu tài chính tại cuối quý II/2024 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy tăng trưởng nợ vay đáng kể ở các ngành bất động sản, nuôi trồng và một số ngành sản xuất. Trong khi đó, các ngành dịch vụ như bán lẻ, du lịch giải trí lại ghi nhận nợ vay giảm hoặc thay đổi không đáng kể so với cuối năm trước.
FiinRatings đánh giá động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi “cảnh báo” đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) về việc điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng không đạt để tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển hơn cũng góp phần cho sự tăng tốc của tăng trưởng tín dụng thời gian qua. Đồng thời, cuối quý II là thời điểm các tổ chức tín dụng tăng tốc giải ngân để đáp ứng một số chỉ tiêu an toàn của NHNN.
“Việc NHNN điều phối room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng và giải ngân, tạo đà tăng trưởng cho tín dụng trong các tháng cuối năm”, FiinRatings dự báo.
Tuy báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng cho thấy số dư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nắm giữ vẫn trên đà giảm do thị trường TPDN còn ảm đạm, nhưng FiinRatings cho rằng đà tăng trưởng tín dụng sẽ tạo động lực để các ngân hàng đa dạng hóa kênh tín dụng sang kênh TPDN trong thời gian tới.
Cụ thể, tại cuối quý II/2024, số dư TPDN chỉ chiếm 1,3% tổng dư nợ tín dụng tại 29 ngân hàng thương mại (cuối năm 2022 là 2,2%). Tuy nhiên, khi mức độ hấp thụ vốn của doanh nghiệp cải thiện hơn trong các tháng cuối năm, hoạt động đầu tư TPDN sẽ được khai thác mạnh hơn khi các doanh nghiệp sử dụng hết hạn mức cho vay tại các ngân hàng thương mại, từ đó giúp thị trường TPDN sôi động hơn.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực huy động vốn từ kênh trái phiếu. Số liệu từ báo cáo về thị trường TPDN của FiinRatings cho thấy, trong tháng 7 vừa qua ngân hàng thương mại vẫn là động lực chính của thị trường TPDN, với giá trị phát hành trong tháng đạt hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành.
Một số nhà phát hành là ngân hàng lớn trong tháng 7 có thể kể đến MBBank (10.000 tỷ đồng) và SHB (3.000 tỷ đồng). Kỳ hạn trái phiếu của các tổ chức tín dụng tập trung ở các kỳ hạn 3 năm (đối với các ngân hàng tư nhân) và trên 5 năm (đa phần là các ngân hàng quốc doanh) để củng cố nguồn vốn trung dài hạn của các ngân hàng khi chưa tăng được vốn điều lệ.
Trong khi đó, hoạt động huy động qua kênh trái phiếu của ngành bất động sản vẫn ảm đạm khi tháng 7 chỉ ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng giá trị 3.800 tỷ đồng.
Tính cả 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 178.500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, riêng giá trị trái phiếu phi ngân hàng giảm 32%.
Hoạt động mua lại TPDN trong tháng 7/2024 đạt gần 32.100 tỷ đồng (tăng 26,1% so với tháng trước). Nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại, chiếm tới 90% giá trị trong tháng.
Theo FiinRatings, hoạt động mua lại trái phiếu sắp đáo hạn và phát hành mới của ngân hàng nhắm đáp ứng các tỷ lệ an toàn.
Đồng thời, nhằm bổ sung vốn cấp 2 trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025, FiinRatings cho biết, nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu như Agribank đã thông qua kế hoạch phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu vào đầu tháng 10/2024; BVBank thông qua phát hành 3 mã trái phiếu gồm 1.500 tỷ đồng vào ngày 10/9/2024, 700 tỷ đồng vào ngày 31/10/2024 và 400 tỷ đồng vào 31/1/2025,…
Ngoài một số ngân hàng đã đăng ký trái phiếu và chốt phương án như trên, nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến phát hành trong các tháng còn lại của năm 2024 như: LPBank (6.000 tỷ đồng), ACB (15.000 tỷ đồng), SHB (5.000 tỷ đồng), BIDV (4.000 tỷ đồng)…