Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định về cơ chế biểu giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của EVN và Tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân (giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 2.006,79 đồng/kWh).
Trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng giá điện cho từng bậc được thiết kế đảm bảo hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện.
Cụ thể, Bộ Công Thương giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.
Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh.
"Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Theo phương án này, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với khi áp dụng cơ cấu biểu giá điện hiện hành.
Đối với người dân, cơ quan này đánh giá ưu điểm của phương án trên là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện.
Theo Bộ Công Thương, việc ghép các bậc lại với nhau là để tăng khoảng cách mức tiêu thụ tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
"Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối", Bộ Công Thương đánh giá.
Như vậy, Bộ Công Thương khẳng định các hộ có mức sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm khoảng 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất giá điện du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Có nghĩa, các cơ sở du lịch sẽ được hưởng giá điện thấp hơn so với hiện nay.
Theo Bộ Công Thương, phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan.
Đánh giá tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất, theo báo cáo và tính toán của EVN và Tư vấn tại Đề án thì hiện giá bán điện cho sản xuất đang không phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh điện (thấp hơn so với chi phí phân bổ).
Bộ Công Thương tính toán phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất từ 4% đến 8% so với giá bán lẻ điện bình quân do hiện nay. Bởi lẽ giá giờ thấp điểm của nhóm khách hàng này thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52% đến 56%).
Giá điện giờ bình thường và cao điểm giữ nguyên theo mức giá theo quy định hiện hành (chỉ tăng giá điện giờ thấp điểm và không điều chỉnh giá điện giờ bình thường và cao điểm).
"Các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá từ 1,27% đến 3,85% trong bối cảnh ngành sản xuất đang phục hồi hoạt động. Việc điều chỉnh tăng giá sẽ gây tác động bất lợi đến các ngành sản xuất", Bộ Công Thương nhận định.
Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá điện từ kinh doanh xuống bằng giá bán lẻ điện cho sản xuất dẫn đến chi phí tiền điện hàng tháng phải trả giảm.
Cân nhắc các yếu tố, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện du lịch ngang bằng giá điện sản xuất "vì nhiều tác động tích cực hơn".