Ngày 14/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô 30.000 tỷ đồng.
Vietcombank cho biết, đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.
Thời hạn giải ngân kết thúc khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay cụ thể theo thông báo của Vietcombank trong từng thời kỳ.
Thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là ngân hàng đầu tiên thông tin về gói tín dụng thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Bên cạnh những nội dung tương tự về đối tượng và lãi suất cho vay, Agribank còn cho biết ngoài hạn mức vay theo quy định, nếu khách hàng là người mua nhà có tài sản bảo đảm bổ sung, sẽ được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án.
Được biết, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 120.000 tỷ đồng này sẽ được triển khai tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng.
Các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn theo chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, chương trình này sẽ giảm lãi suất cả ở phía cung và cầu, góp phần làm giảm giá thành nhà ở xã hội, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Đây là một trong những giải pháp gián tiếp góp phần giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu về nhà ở.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, cơ chế cho vay gói này sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác so với các khoản vay thông thường, nhưng với điều kiện phải thuộc các đối tượng mua nhà ở các phân khúc nói trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.