Cơ hội cho các "ông lớn" đầu tư công
Nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, trong dự toán ngân sách năm 2023, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Trong báo cáo về đầu tư công vừa công bố, VNDirect cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ một số yếu tố. Đó là nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới, và giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ được khởi công từ đầu năm 2023, bao gồm: Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (tháng 1/2023); nhà ga hành khách và đường băng sân bay tại Sân bay Long Thành (tháng 01/2023); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tháng 4/2023), và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tháng 6/2023).
Trong khi đó, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vẫn sẽ được đẩy mạnh thi công và hoàn thành lần lượt trong giai đoạn 2022-2024.
Nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án, Bộ GTVT đã được phép chỉ định thầu tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công sẽ là những tiêu chí quan trọng để lựa chọn nhà thầu. Do đó, VNDirect tin rằng những công ty hàng đầu với hồ sơ tốt, như: Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG); CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV); Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (C4G), sẽ có nhiều lợi thế để giành được các gói thầu quy mô lớn.
Mới đây, 12/25 gói thầu đầu tiên tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã được khởi công vào ngày 01/01/2023 với các liên danh nhà thầu được Bộ GTVT chỉ định, trong đó cả ba doanh nghiệp trên đều đã được nhận thầu.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đặt kế hoạch lựa chọn xong nhà thầu tại 13 dự án còn lại trước ngày 10/01/2023 và khởi công trong ngày 15/01/2023. VNDirect kỳ vọng những công ty kể trên có thể sẽ tiếp tục giành thêm những gói thầu quy mô lớn tiếp theo.
Theo Bộ GTVT, 3/4 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 (bao gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã không thể hoàn thành trong năm 2022 như kế hoạch ban đầu và được lùi tiến độ tới 30/04/2023. Do đó, VNDirect ước tính sẽ có lần lượt 355km/177km đường cao tốc tại cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành trong năm 2023-2024.
Bên cạnh đó, 729km đường cao tốc tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-2025. Trong khi việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án đường giao thông, do đó nhóm phân tích kỳ vọng các công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngay từ quý 1/2023.
Chờ đợi từ siêu dự án sân bay Long Thành
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các gói thầu thi công nhà ga và đường băng sân bay sẽ được khởi công trong quý 1/2023.
VNDirect kỳ vọng liên danh những doanh nghiệp xây lắp dân dụng lớn như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC); CTCP Xây dựng Coteccons (CTD); CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC)…, sẽ có khả năng cạnh tranh để tham gia thi công gói thầu nhà ga hành khách. Trong khi C4G đang là ứng cử viên “sáng giá” cho gói thầu thi công đường băng sân bay nhờ kinh nghiệm tham gia tại hàng loạt dự án đường băng sân bay như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc…
Mặt khác, việc khởi công sân bay Long Thành cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu của các doanh nghiệp đá xây dựng tại khu vực Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2023-2024.
Ở chiều ngược lại, VNDirect đánh giá mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, song dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ sẽ cùng giảm 3% trong năm 2023.
Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu thép và xi măng của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, trước khi tình hình được cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Kỳ vọng này đến từ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, các lệnh giãn cách xã hội có dấu hiệu được nới lỏng và các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản dần có hiệu lực ở Trung Quốc và sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi khi tình trạng thiếu hụt năng lượng dần được kiểm soát.