VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023 tại 1.129 điểm, tăng 12,2% trong năm 2023. Cùng điểm lại những dấu ấn nổi bật của thị trường chứng khoán trong năm 2023.
VN-Index tăng 12,2%
Thị trường chứng khoán bắt đầu "nóng" dần từ đầu tháng 5 với các luồng thông tin hỗ trợ đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của thị trường trái phiếu và bất động sản. VN-Index đi lên mạnh mẽ và đạt đỉnh một năm vào giữa tháng 9. Đây cũng là khoảng thời gian giao dịch rất sôi động với nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh cùng một số cơn gió ngược đến từ bên ngoài đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh. VN-Index có thời điểm gần đánh mất thành quả tăng giá từ đầu năm khi lùi về sát mốc 1.000 điểm hồi cuối tháng 10.
Mốc 1.100 điểm là mốc tâm lý VN-Index đã liên tục phải chinh phục sau đó để mất. Nhịp hồi phục trong 2 tháng cuối năm dù chưa đủ để đưa VN-Index về đỉnh cũ nhưng cũng kịp kéo chỉ số lên trên 1.120 điểm.
Giá trị vốn hóa của HoSE cũng theo đó tăng thêm hơn 500.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 4,5 triệu tỷ. Tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa toàn thị trường lên đến gần 5,9 triệu tỷ đồng (~245 tỷ USD).
1 tỷ USD bán ròng đến từ khối ngoại
Xu hướng bán ròng của khối ngoại bắt đầu rõ rệt từ tháng 4, kéo dài 9 tháng liên tiếp và mạch bán ròng liên tiếp 20 phiên của khối ngoại trong tháng cuối cùng của năm 2023 chỉ bị cắt đứng sau trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của năm. Tính chung cả năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 23.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khối ngoại bán ròng 3 tỷ USD kể từ năm 2020 đến hết năm 2023
Thực tế, khối ngoại đã bán ròng trên sàn chứng khoán nhiều năm qua và chỉ mua ròng ở một vài giai đoạn ngắn điển hình như thời điểm thị trường rơi xuống đáy dài hạn cuối năm 2022. Luỹ kế từ năm 2020 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 3 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam.
Tiếp tục lỡ hẹn với KRX và nâng hạng thị trường
Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Theo danh sách phân loại thị trường FTSE Russell công bố vào tháng 9/2023, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2.
Theo đánh giá chung của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ. Một là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Hai là giới hạn sở hữu nước ngoài. Cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí này trong đó việc đưa hệ thống KRX vào vận hành được đánh giá là một trong những bước trọng yếu.
Dựa trên kế hoạch ban đầu của phía nhà thầu, KRX dự kiến sẽ "go live" cuối tháng 12/2023. Các đợt kiểm thử cũng đã gấp rút được triển khai với sự tham gia của cơ quan quản lý và thành viên thị trường thời gian qua nhưng vẫn không kịp "deadline". Dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc đưa vào vận hành hệ thống mới chậm hơn dự tính là quyết định cần thiết để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đảm bảo việc vận hành chính thức được thuận lợi, trơn tru nhất.
Quyết tâm thanh lọc, lành mạnh hoá thị trường
Quyết tâm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán tiếp tục được thể hiện rõ trong năm 2023. Bên cạnh đó, các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát cũng được thực thi nghiêm chỉnh. Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin,…
Việc thanh tra, kiểm tra ít nhiều tác động đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thanh lọc thị trường được đánh giá là cần thiết để giúp thị trường phát triển bền vững hơn và thực tế cho thấy hoạt động thanh, kiểm tra đang dần tạo ra những "kháng thể" cần thiết cho thị trường chứng khoán.
Gần 1 triệu tài khoản chứng khoán “bốc hơi”
Ngoài việc xử phạt nghiêm những sai phạm, quyết tâm thanh lọc thị trường còn được thể hiện qua nỗ lực làm sạch dữ liệu chứng khoán của các cơ quan chức năng. Vào cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán qua đó giúp đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Chỉ sau 2 tháng thực hiện, gần 887.000 tài khoản chứng khoán đã bị "bốc hơi". Con số này chủ yếu đến từ hoạt động rà soát các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch tại Công ty chứng khoán.
Chiều ngược lại, lượng tài khoản mở mới trong khoảng thời gian này chỉ hơn 315.000 tài khoản. Điều này khiến cho số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước lần đầu tiên có sự sụt giảm kể từ khi dữ liệu được công bố. Thời điểm cuối tháng 11/2023, nhà đầu tư trong nước có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 7% dân số.
Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động
Ngày 19/7, hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đi vào hoạt động, đây là hệ nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Giá trị TPDN phát hành sơ cấp hàng tháng năm 2023
Sự ra đời của hệ thống TPDN riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp. Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc mua bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.
Theo Bộ Tài chính, từ khi khai trương và đưa vào vận hành hệ thống sàn giao dịch TPDN riêng lẻ tại HNX, tính đến hết ngày 30/11/2023, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống là 760 mã. Các mã trái phiếu trên của 206 doanh nghiệp là tổ chức phát hành, với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 519.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường từ khi thị trường khai trương đến 30/11/2023 đạt 119.678 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 1.260 tỷ đồng/phiên.
Về hoạt động phát hành, tính từ đầu năm đến 24/11/2023, có 77 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 214.300 tỷ đồng (giảm 35,4% so với cùng kỳ năm 2022). Nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm 2023 là các nhà đầu tư tổ chức, chiếm 96,2% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 55%); các nhà đầu tư cá nhân mua 3,8%.
Vắng bóng doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán
Từ đầu năm đến nay, HoSE và HNX chỉ đón thêm tổng cộng 12 cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ niêm yết mới. Tuy nhiên, "tân binh" đều là các cổ phiếu quy mô nhỏ và đa phần đã giao dịch trên UPCoM trước đó.
Trong quá khứ, việc tạo hàng hoá mới cho thị trường chứng khoán phụ thuộc khá lớn vào các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước qua sàn. Đáng tiếc, các hoạt động này đều rất hạn chế những năm gần đây. Đa phần các doanh nghiệp trong danh sách "chờ", chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn, cũng có quy mô nhỏ tại các địa phương.
Doanh nghiệp Việt Nam niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Mỹ
VinFast chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 15/8
Sau cú rung chuông ngày 15/8, cổ phiếu VinFast chính thức chào sàn Nasdaq với giá 22 USD/cổ phiếu, tương đương mức định giá xấp xỉ 50 tỷ USD. Sức nóng của VinFast ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư toàn cầu, cổ phiếu này giao dịch rất sôi động với thanh khoản có phiên lên đến cả tỷ USD.
Giá trị vốn hóa của VinFast cũng tăng chóng mặt sau khi lên sàn và có thời điểm đã xấp xỉ 160 tỷ USD, chỉ kém 2 “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp ô tô là Tesla và Toyota. Dù sự hưng phấn sau đó đã hạ nhiệt nhưng mức vốn hóa hiện tại vẫn đủ để VinFast có một vị trí vững vàng trong top các doanh nghiệp sản xuất xe điện giá trị nhất thế giới.