Từ đầu năm tới nay, hàng loạt các địa phương liên tục tổ chức nhiều phiên đấu giá, tuy nhiên khung cảnh nhộn nhịp, sôi động như hơn 1 năm trước đã không còn.
Đơn cử tại Hải Phòng, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia. Hay đầu năm nay, các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, huyện An Dương có 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Số lô được trả giá cao hơn giá khởi điểm không cao.
Hay tại Nam Định, Công ty Đấu giá hợp danh Xuân Trường phải phối hợp với một số đơn vị, cơ quan liên quan của huyện Hải Hậu đấu giá lại quyền sử dụng đất hàng chục lô đất tại các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Thanh, Hải Giang, Hải Sơn… do các phiên đấu giá trước chưa có người trả giá.
Tại Đông Anh (Hà Nội), sáng 20/5 đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với 15 thửa đất tại điểm X8 thôn Hà Phong, xã Liên Hà. Tuy nhiên, lượng người tham gia không còn đông như trước, cụ thể có 41 khách hàng đăng ký 65 hồ sơ tham gia đấu giá. Trong đó, giá khởi điểm từ 20,8 - 23,1 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá trúng chỉ tăng nhẹ so với giá khởi điểm, cụ thể giá trúng cao nhất là 24,9 triệu đồng/m2, thấp nhất là 20,8 triệu đồng/m2.
Thậm chí, trước đó một số lô đất tại khu vực này phải mang ra đấu giá nhiều lần để tìm khách mua. Đơn cử, 25 lô đất có ký hiệu LK 1 (1-01, 1-02, 1-03, 1-13, 1-14, 1-15); LK2 (2-07, 2-08, 2-09, 2-13, 2-14, 2-15); LK3 (3-03, 3-04, 3-10, 3-11, 3-12, 3-13, 3-18, 3-19); LK4 (từ 4-07 đến 4-11). Được biết, 25 thửa đất này được mang ra đấu giá ngày 12/11/2022 với giá khởi điểm từ 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2, và tiếp tục được rao bán vào ngày 11/3 vừa qua.
Tại Bắc Giang, tháng 3 vừa qua tổ chức đấu giá quyền sử dụng 98 lô đất ở thuộc Khu dân cư kè hồ Đầm Sen, phường Trần Phú; Khu dân cư Tân Mai, phường Đa Mai; khu số 2, Khu đô thị phía Nam, xã Tân Tiến; Khu dân cư thôn Sòi, khu dân cư thôn Đồng Sau, xã Đồng Sơn và điểm dân cư thôn Lực, xã Tân Mỹ.
Cụ thể, tổng diện tích các lô đất đưa ra đấu giá hơn 9.159 m2, khoảng 75 - 150 m2/lô. Tổng giá khởi điểm hơn 160 tỷ đồng. Trong số các lô đất đấu giá lần này có 48 lô đấu giá lần 2, còn lại là đấu lần đầu. Kết quả có 58/98 lô có khách hàng trả giá, còn 40 lô khi đó chưa tìm được chủ mới.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho biết, trong nhiều phiên đấu giá gần đây ở các địa phương, người tham gia và trúng đấu giá rất ít. Rất hiếm địa phương tổ chức đấu giá thành công, có trường hợp đấu giá gần như không có người nộp hồ sơ, một số địa phương phải điều chỉnh giá để đấu giá lại.
Theo ông Toản, nguyên nhân lớn khiến các cuộc đấu giá “ế ẩm” là do giá khởi điểm quá quá cao. Nguyên nhân do những năm trước thị trường sốt nên giá đất bị đẩy lên cao, tạo mặt bằng giá mới, trong khi hiện nay thị trường đang trầm lắng nhưng giá vẫn được giữ ở mức cao. Đồng thời, hiện nay nhu cầu đầu tư thấp nên đa phần những người mang mục đích “lướt sóng” không còn, chủ yếu là nhu cầu thực hoặc người trong địa phương tích trữ.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản chung đang chững lại, thanh khoản xuống thấp nên kéo theo các phiên đấu giá đất không còn nhiều người mặn mà. “Giữa bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư đều đang nghe ngóng các tín hiệu mới của thị trường nên chưa xuống tiền. Ngoài ra, dòng vốn của các nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng do lãi suất neo cao. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây chỉ là xu hướng ngắn hạn. Về dài hạn, đất nền vẫn là kênh đầu tư đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt”, ông Đính nói.