Phát biểu tại phiên họp về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH Quảng Bình cho biết, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng và bản thân mỗi đại biểu cũng đã từng ít nhất 1 lần nhận những cuộc gọi lừa đảo hay tin nhắn rác. Trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu, các ứng dụng trên nền tảng số ngày càng phát triển, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng.
Do đó, để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin của người dùng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ hoàn toàn sim rác. Đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các loại tội phạm lừa đảo qua App, điển hình là những cuộc gọi mạo danh”.
Tại phiên họp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng Internet được phát hiện gia tăng, thời gian qua đã xử lý 1.600 vụ, 478 đối tượng, tăng 203,62% số vụ và tăng 48,91% số đối tượng.
Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn như sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen. Việc sử dụng SIM rác, tin nhắn rác vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Trước thực tế trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ và các cơ quan làm rõ và đánh giá đầy đủ hơn một số loại tội phạm có xu hướng tăng cao trong thời gian qua và giải pháp phòng ngừa, xử lý có hiệu quả; làm rõ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm có các hình thức biến tướng mới như núp bóng công ty luật, công ty tài chính để đòi nợ thuê; tội phạm về tín dụng đen và các tội phạm trên không gian mạng. Đồng thời, phân tích và tập trung về công tác dự báo xu hướng tội phạm và vi phạm pháp luật để có những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang rất phức tạp, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, tỷ lệ điều tra xử lý và thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp, vì phương thức thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, phức tạp, các đối tượng đều có kiến thức sâu về công nghệ thông tin nên rất khó trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ điện tử dễ bị tẩy xóa, khó khôi phục và thường có yếu tố nước ngoài.
Đại biểu Lý Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ, tăng cường công tác quản lý công tác hợp tác quốc tế để ngăn chặn tình trạng này.
Trước những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: Bộ xin tiếp thu các ý kiến phát biểu thảo luận và các ý kiến đánh giá của các ĐBQH đối với Báo cáo về tình hình công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với nội dung đánh giá tình hình, nguyên nhân và những định hướng công tác năm 2024 về tình hình công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Bộ Công an thấy rằng, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm và chia sẻ, động viên để Chính phủ, các cơ quan tư pháp nói chung và Bộ Công an nói riêng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri cả nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch COVID-19 đã làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành từ trung ương đến các địa phương, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh đạt được những kết quả tích cực. Nhìn tổng thể chung, tình hình an ninh trật tự, tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, môi trường xã hội được duy trì, an ninh, an toàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của chúng ta. Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động rất phức tạp như hiện nay. Bộ Công an cho rằng, đây là vấn đề cần được khẳng định rõ để cử tri và Nhân dân cả nước yên tâm, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
"Chính phủ và Bộ Công an thấy rằng, với khối lượng công việc các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, gần 170.000 tin báo tố giác tội phạm, trên 134.000 vụ án với gần 210.000 bị can, trên 6 triệu vụ xử lý vi phạm hành chính trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Chính phủ và Bộ Công an xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, Nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn.