“Cuộc chiến” giá rẻ giữa các nhà bán lẻ đến hồi gay cấn?

“Cuộc chiến” giảm giá để kích cầu không hẳn mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp bán lẻ, có chăng đây chỉ là “chiêu” để các “ông lớn” có tiềm lực giành giật thị phần với các doanh nghiệp bé hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thế Giới Di Động khơi mào "cuộc chiến" giá rẻ thông qua chiến dịch "Giá rẻ quá", FPT Retail "phản công" ngay bằng chiến dịch "Rẻ hơn cả rẻ quá”
Thế Giới Di Động khơi mào "cuộc chiến" giá rẻ thông qua chiến dịch "Giá rẻ quá", FPT Retail "phản công" ngay bằng chiến dịch "Rẻ hơn cả rẻ quá”

Cạnh tranh về giá bán sản phẩm vốn đã âm thầm diễn ra giữa các nhà bán lẻ hàng điện tử (ICT) và điện máy (CE) từ lâu nhưng phải đến gần đây khi thị trường bán lẻ gặp khó do sức mua yếu, buộc các “ông lớn” bán lẻ phải hạ giá bán về ngang các chuỗi nhỏ hơn thì “cuộc chiến” giá rẻ mới thực sự bước vào hồi gay cấn.

“Ông lớn” khai chiến, đối thủ ngay lập tức "đáp trả"

Đầu tháng 4/2023, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thế Giới Di Động (MWG), ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MWG chia sẻ, trước đây, Thế Giới Di Động không quá căn ke về chênh lệch giá bán các sản phẩm Apple của chuỗi Thế Giới Di Động so với các đối thủ và đây chính là “khe hở” để các đối thủ kiếm khách hàng.

Tuy nhiên, ông Tài cho biết sắp tới, hiện tượng này sẽ chấm dứt khi Thế Giới Di Động sẽ đặt mức giá bán sát hơn với đối thủ. Thế Giới Di Động sẽ không để cho chênh lệch giá trở thành điểm để đối thủ “lợi dụng”.

Không lâu sau tuyên bố trên, cuối tháng 4, Thế Giới Di Động đã mở màn chiến lược quảng cáo với thông điệp “Giá rẻ quá” nhằm thu hút khách hàng với các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là các dòng sản phẩm iPhone.

Động thái “xoay trục” của Thế Giới Di Động trong bối cảnh sức mua sụt giảm này đã buộc các đối thủ không thể đứng ngoài cuộc. Theo đó, dù khẳng định “về bản chất, cuộc chiến về giá không phải là cuộc chiến hay trong giai đoạn này”, nhưng để giữ khách, lãnh đạo FPT Retail cho biết “doanh nghiệp sẽ phải thích ứng”. Để chứng minh, FPT Shop đã nhanh chóng “đáp trả” bằng chiến dịch “Rẻ hơn cả rẻ quá”.

Hay gần đây nhất, chuỗi Di Động Việt - với hơn 60 cửa hàng bán lẻ các sản phẩm công nghệ - cũng vừa tung ra chiến dịch “Rẻ hơn các loại rẻ”. Dù có quy mô khiêm tốn so với Thế Giới Di Động hay FPT Shop nhưng chiến dịch của Di Động Việt đã gây được sự chú ý khi đối đầu trực diện với hai “ông lớn” trong ngành.

(Ảnh chụp màn hình)

(Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó, dù không đưa ra chiến dịch quảng cáo cụ thể, song chuỗi CellphoneS - với hơn 100 chi nhánh cũng bắt đầu hành động bằng việc hạ giá sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Tương tự, Hoàng Hà Mobile - với hơn 126 cửa hàng trên toàn quốc - đang triển khai chiến dịch “Chào hè rực rỡ, sale rẻ hết cỡ” nhưng chủ yếu áp dụng cho các dòng laptop.

Đáng chú ý, trước nay, CellphoneS và Hoàng Hà Mobile vẫn áp dụng chiến lược giá bán cạnh tranh hơn đối thủ nhằm thu hút khách hàng. Đặc biệt với những sản phẩm như iPhone, có những thời điểm giá bán của CellphoneS hay Hoàng Hà Mobile rẻ hơn vài trăm, thậm chí vài triệu đồng so với Thế Giới Di Động.

Tuy nhiên, theo khảo sát ngày 17/5/2023, dòng sản phẩm iPhone 14 Pro Max 128 GB màu đen đang được Thế Giới Di Động bán giá 26,44 triệu đồng. Trong khi, FPT Shop bán với giá 26,43 triệu đồng, Viettel Store bán giá 26,45 triệu đồng, CellphoneS bán giá 26,44 triệu đồng, và Hoàng Hà Mobile, Di Động Việt đưa ra mức giá thấp hơn đôi chút, lần lượt là 26,29 triệu đồng và 26,19 triệu đồng.

Như vậy, sau gần một tháng khơi mào cuộc chiến “khô máu” với các nhà bán lẻ khác, giá bán iPhone tại Thế Giới Di Động đã gần như ngang bằng các đơn vị vốn trước nay bán rẻ hơn cả triệu đồng. Thậm chí, với dòng sản phẩm iPhone 14 Pro Max 512 GB màu đen, Thế Giới Di Động đang bán với giá 35,79 triệu đồng, rẻ hơn mức giá 35,99 triệu đồng mà CellphoneS đang niêm yết.

Ai được lợi?

Cuộc đua hạ giá sản phẩm của các nhà bán lẻ chưa rõ sẽ mang lại kết quả ra sao cho chính các đơn vị này nhưng trước mắt đang giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn khi phải thắt chặt hơn chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng.

Chị Thảo (Hà Đông), một khách hàng vừa mua Macbook Air M1 cho biết, trong thời điểm nguồn thu nhập giảm, muốn mua một sản phẩm điện tử mới chị phải tính toán nhiều hơn trước đây.

Theo đó, sau khi tham khảo giá bán mẫu MacBook Air M1 256 GB tại một số chuỗi cửa hàng, chị thấy mẫu này đang được Thế Giới Di Động bán với giá 18,49 triệu đồng, trong khi FPT Shop và CellphoneS lần lượt bán giá 18,499 triệu đồng và 18,59 triệu đồng, Hoàng Hà Mobile rẻ hơn một chút (18,25 triệu đồng) nên chị quyết định mua tại Thế Giới Di Động vì chưa bao giờ chuỗi này giảm giá sâu đến thế.

“Sau khi trừ các khuyến mãi tại cửa hàng, chiếc máy tính MacBook Air M1 256 GB tại Thế Giới Di Động chỉ còn 17,9 triệu đồng, mức thấp nhất thị trường hiện nay”, chị Thảo cho biết thêm.

Thực tế, sau một thời gian tập trung vào “cuộc chiến giá” Thế Giới Di Động đã thu được một số kết quả bước đầu khi theo báo cáo sơ bộ của ban lãnh đạo doanh nghiệp thì trong tháng 4, nhờ chiến lược giá bán thấp, hai mảng ICT và CE của “ông lớn” bán lẻ này đã tăng 30% so với tháng 3 trước đó.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động dự đoán tháng 5, doanh thu của hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ tăng ít nhất 20% so với tháng 4, trong bối cảnh "thị trường chung không tăng, thậm chí lùng bùng". Những con số tăng trưởng này cho thấy Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang giành được thị phần từ chiến lược giá bán thấp.

Tuy nhiên, đó chỉ là con số tăng trưởng về doanh thu, còn lợi nhuận thì chưa chắc có sự tăng trưởng bởi Thế Giới Di Động đang giảm giá thậm chí nhiều hơn mức giảm của các đơn vị khác. Và nếu nhìn vào kết quả kinh doanh quý 1 vừa qua, khi Thế Giới Di Động đã manh nha có những động thái giảm giá để kích cầu thì lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn giảm tới 98,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết (năm 2014) dù doanh thu chỉ giảm gần 26%, đạt 27.106 tỷ đồng.

Với FPT Retail, tình hình cũng không khá hơn là bao khi quý 1/2023, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng giảm tới 98,8% so với cùng kỳ, đạt vỏn vẹn 2,07 tỷ đồng, dù doanh thu chỉ giảm 0,4% về 7.753 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy cuộc chiến giảm giá để kích cầu không hẳn đã mang lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp, có chăng đây chỉ là “chiêu” để các “ông lớn” có tiềm lực giành giật thị phần với các doanh nghiệp bé hơn.

Tại cuộc họp với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cũng thừa nhận rằng, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, nghĩa là từ trước đến giờ công ty mới hướng đến dịch vụ vượt trội và đã làm tốt. Nhưng việc chưa làm tốt là thu hút lượng khách hàng quan tâm đến giá cả.

“Với hướng đi mới, Thế Giới Di Động muốn phục vụ tệp khách hàng nhạy cảm về giá và điều này sẽ giúp Thế Giới Di Động có thêm được thị phần”, ông Tài nói và cho biết thêm "cuộc cạnh tranh này sẽ kéo dài chứ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn".

Tuy nhiên, việc “hy sinh lợi nhuận” để tiếp cận khách hàng này có lẽ cũng sẽ phải đến hồi kết nếu Thế Giới Di Động muốn hoàn thành được mục tiêu kinh doanh đặt ra cho năm 2023 là doanh thu 135.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.200 tỷ đồng. Theo cập nhật, doanh thu 4 tháng đầu năm của công ty khoảng hơn 36.800 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch nhưng lãi sau thuế khả năng còn cách rất xa mục tiêu.

Nói về cuộc chiến giá cả, nhất là "cuộc chiến" giá iPhone trên thị trường, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho rằng, sự cạnh tranh về giá từ các đơn vị bán lẻ không phải tín hiệu tích cực trong ngành.

"Có thể nói cạnh tranh về giá là một cuộc chiến mà không ai có lợi cả, kể cả Digiworld. Và mỗi một nhà bán lẻ sẽ có mục tiêu về giá khác nhau nhưng tôi tin chắc cuộc cạnh tranh về giá sẽ không phải là mãi mãi, sẽ phải có điểm dừng", ông Việt nói và cho rằng “dài nhất là đến tháng 9/2023 "cuộc chiến giá" này sẽ kết thúc, khi Apple ra iPhone mới”.

Nhận định trên của Chủ tịch Digiworld còn cần tới 4 tháng để kiểm chứng, còn trước mắt, ngay ngày 18/5, Apple chính thức mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam - một động thái được cho là sẽ ít nhiều tác động đến “cuộc chiến” về giá bán iPhone giữa các doanh nghiệp bán lẻ ICT trong nước.

Dù vậy, cả lãnh đạo Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS đều không tỏ ra quá lo lắng vì động thái mới của Apple, ngược lại còn cho rằng, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam là điều tốt cho thị trường.

Theo đó, Apple Store trực tuyến tại Việt Nam sẽ đưa ra một khung giá chuẩn chỉnh, có thể làm cơ sở tham chiếu, đặc biệt trong bối cảnh giá bán sản phẩm Apple đang biến động liên tục tại Việt Nam. Động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Đại diện Hội LHPN Việt Nam và Nestlé Việt Nam công bố triển khai mô hình “Cùng Maggi Nấu nên cơ nghiệp”

"Cùng MAGGI Nấu Nên Cơ Nghiệp” đến với hàng ngàn phụ nữ nông thôn

Mô hình dịch vụ gia đình “Cùng MAGGI nấu nên cơ nghiệp” do nhãn hàng MAGGI thí điểm khởi xướng. Theo đó, từ năm 2024, mô hình sẽ được triển khai rộng rãi ở 8/20 tỉnh, kỳ vọng sẽ mang đến những hiệu quả tích cực cho hàng chục ngàn phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, có niềm yêu thích và mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực.

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE