Dragon Capital mới công bố báo cáo tháng 11 cho biết, thị trường trải qua tháng 11 đầy biến động . VN-Index chạm đáy trong phiên 872 điểm, sau đó phục hồi mạnh và kết thúc tháng tại 1048 điểm, tăng 2,9% với áp lực bán giải chấp chéo đến từ cổ phiếu nhóm bất động sản là nguyên nhân chính. Giá nhiều cổ phiếu bất động sản như NVL, PDR, HPX giảm sàn nhiều phiên liên tiếp với thanh khoản thấp, phản ánh rủi ro đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp trên. Đặc biệt, khi các công ty chứng khoán không thể giải chấp các cổ phiếu bất động sản này, họ đã thực hiện bán các cổ phiếu khác trong danh mục của khách hàng để thu hồi nợ. Đồng thời, các quỹ trái phiếu cũng chịu áp lực rút vốn mạnh, dẫn tới lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp chạm ngưỡng 30 – 40%.
Dù vậy, sau đó, lực mua mạnh đến từ khối ngoại tạo nên đà phục hồi ấn tượng. Các quỹ đầu tư chủ động đã giải ngân lượng tiền mặt dự trữ cùng sự hậu thuẫn bởi nguồn tiền mới từ các quỹ ETF. Đồng thời, các công ty BĐS gặp khó khăn bắt đầu tìm ra giải pháp để cơ cấu lại các khoản nợ và huy động được nguồn vốn mới. Chính phủ cân nhắc sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu mới và khả năng tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định mới về việc một số loại giấy tờ có giá do doanh nghiệp phát hành có thể đăng ký và sử dụng trong hoạt động thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, thị trường trái phiếu đã bắt đầu được cải thiện, lợi suất ổn định ở vùng 18-20%. Việc Chính phủ đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện thanh khoản thị trường cũng giúp nhà đầu tư trong nước cũng tích cực tham gia vào xu hướng phục hồi của thị trường.
"Hiện, có khả năng đỉnh điểm của sự bi quan đã qua khi Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, áp lực bán giải chấp giảm mạnh, và Trung Quốc sắp mở cửa trở lại", báo cáo Dragon Capital nêu.
Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn tương đối thận trọng khi thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy tăng trưởng bắt đầu chậm lại, phần lớn đến từ hoạt động xuất khẩu. Lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay cả khi áp lực tăng giá của đồng USD có những dấu hiệu lắng xuống. Từ đó, Dragon Capital đã điều chỉnh dự phóng lợi nhuận cho năm 2023, song vẫn nhìn thấy cơ hội để lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp vượt qua suy thoái.
Về định giá, chỉ số P/E dự phóng chỉ ở mức 9,4 lần, thấp hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực. Định giá này sẽ là cơ sở vững chắc để thị trường tăng trở lại khi sự hoảng loạn qua đi và các áp lực suy thoái đã giảm bớt.
Về tình hình vĩ mô, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phục hồi một cách ấn tượng. Doanh số bán lẻ đạt 21,4 tỷ USD tương ứng với mức tăng 17,5% đồng thời lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 597 nghìn, tăng 23% so với tháng trước và du khách trong nước đạt 4,5 triệu lượt, đưa số lượng khách du lịch nội địa trong 11 tháng đạt 96,3 triệu lượt và cao hơn cả năm 2019 (mức trước dịch).
Tuy nhiên, Dragon Capital nhận thấy bắt đầu có những tín hiệu rõ ràng hơn về việc tác động của thị trường thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam. Sản xuất công nghiệp tăng 5,3% nhưng số lượng đơn hàng mới giảm. PMI giảm còn 47,4. Tuy nhiên, vấn đề này phần lớn diễn ra tại các khu vực kinh tế thâm dụng lao động, và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Tổng vốn FDI giải ngân trong 11 tháng đầu năm ghi nhận mức cao kỷ lục, ước đạt 19,7 tỷ USD, đặc biệt là sự kiện Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên thành “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Dòng tiền bắt đầu chuyển từ USD sang các loại tài sản rủi ro hơn như thị trường hàng hóa hoặc các thị trường mới nổi/ cận biên, mà minh chứng là việc một lượng lớn vốn ngoại đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11. Với các yếu tố bên ngoài tích cực cùng tình hình vĩ mô ổn định, VND đã có sự hồi phục nhanh chóng với mức tăng 4,4%, từ đó thu hẹp đà mất giá so với USD về mức 4% tính từ với đầu năm. Ngoài lượng tiền đầu tư vào cổ phiếu, các dòng vốn vào các thương vụ mua bán sáp nhập, giải ngân FDI và thặng dư xuất nhập khẩu vẫn đang hỗ trợ cho tiền Đồng trong dài hạn. Dragon Capital cho rằng điều này giúp Ngân hàng Nhà nước sẽ có rất nhiều dư địa để tập trung vào các mục tiêu khác, khi mà vấn đề về tỷ giá đã được kiểm soát.