Khép lại tuần này (29/7-2/8), chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,26%, xuống còn 785,26 điểm.
Trên sàn chứng khoán Phố Wall, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 560,79 điểm, tương đương 3,26%, dừng ở ngưỡng 16.633,36 điểm. So với mức đỉnh của tháng 7/2024, hiện chỉ số này đã giảm tổng cộng gần 11%. Trong khi, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 569,93 điểm, tương đương 1,41%, còn 39.778,04 điểm và chỉ số S&P 500 mất 119,44 điểm, tương đương 2,19%, chạm mức 5.327,24 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số tổng hợp STOXX 600 toàn châu Âu mất gần 3%, trong khi chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 49,58 điểm, tương đương 2,44%.
Dữ liệu việc làm thấp đáng ngạc nhiên của Mỹ, công bố ngày 2/8, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và chuyển sang trái phiếu – một loại tài sản trú ẩn an toàn hơn. Kết quả là, trong phiên giao dịch cùng ngày, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã bị đẩy xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng, đồng USD mất giá và vàng tăng giá.
Thước đo biến động thị trường chứng khoán, VIX, được coi là thước đo sự lo ngại của thị trường Phố Wall, tăng vọt. Trong số các loại cổ phiếu, nhóm cổ phiếu công nghệ gánh chịu phần lớn sự sụt giảm của thị trường và chỉ số cổ phiếu ngân hàng châu Âu ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 17 tháng, phản ánh từ các báo cáo kết quả kinh doanh kém hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong khối.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/8, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 7/2024 đã tăng lên gần mức cao nhất trong ba năm, do hoạt động tuyển dụng chậm lại đáng kể, làm gia tăng lo ngại thị trường lao động đang xấu đi và có khả năng khiến nền kinh tế bị suy thoái. Cụ thể, số lượng việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng vừa qua có thêm 114.000 việc làm mới, giảm so với con số 179.000 việc làm mới của tháng 6/2024. Trong tuần trước đó (22-26/7), số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng.
Dữ liệu yếu đã làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tiến hành cắt giảm lãi suất với không chỉ một lần trong năm này. Chuyên gia Jamie Cox, đối tác quản lý của Tập đoàn tài chính Harris ở Richmond, Virginia (Mỹ), cho biết dữ liệu việc làm yếu củng cố quan điểm cho rằng Fed đã đi lệch hướng về chính sách tiền tệ khi không giảm lãi suất trong cuộc họp thường kỳ tháng 7/2024. Ông nói thêm nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ sẽ thay đổi quyết định, tiến tới việc hạ lãi suất vào tháng 9 tới. Mức giảm dự kiến là 0,25 điểm phần trăm.
Bị ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế không lạc quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến một phiên giao dịch cuối tuần “nhuộm đỏ”. Chỉ số chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) đóng cửa thấp hơn 2,33%, ở mức 554,61 điểm và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2.216,63 điểm, tương đương 5,81%, xuống 35.909,70 điểm.
So sánh với các chỉ số chứng khoán phổ biến khác của châu Á – Thái Bình Dương, trong phiên giao dịch ngày 2/8, Nikkei 225 dẫn đầu đà giảm, mất tổng cộng 5%, xuống mức thấp nhất trong 8 tháng. Nguyên nhân là do chỉ số này bị ảnh hưởng mạnh bởi việc đồng yen lên giá và kỳ vọng về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
Nhìn lại giao dịch trong tuần, các thị trường chứng khoán thế giới liên tiếp diễn biến trái chiều, chủ yếu do phản ứng bởi những thông tin liên quan đến sức khỏe nền kinh tế Mỹ và động thái chính sách của các ngân hàng trung ương lớn. Sau khi đi ngang vào hai phiên đầu tuần, Phố Wall “xanh đèn” nhờ thông tin Fed quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại. Trên các thị trường chứng khoán châu Á, hướng giao dịch cũng diễn biến tương tự thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, bước sang hai ngày cuối tuần, tình hình đã đảo chiều do những lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ giảm tốc và BoJ tăng lãi suất.
Dựa theo quan sát của các nhà kinh tế và chuyên gia thị trường, tháng Tám thường là một trong những tháng hoạt động giao dịch cổ phiếu yếu kém nhất trong năm. Hơn nữa, với tình hình căng thẳng ở Trung Đông có nguy cơ gia tăng, đi kèm phản ứng không có nhiều đột phá từ các ngân hàng trung ương lớn, triển vọng giao dịch của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong vài tuần tới không có nhiều điểm sáng.