Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào đầu tuần khi mà nhà đầu tư dường như có tâm lý tạm nghỉ sau khi thị trường tăng mạnh vào tuần trước, đồng thời nhà đầu tư đón nhận nhiều thông tin về lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 211,16 điểm tương đương 0,6% xuống 33.536,7 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,89% xuống 3.957,25 điểm còn chỉ số Nasdaq giảm 1,12% xuống 11.196,22 điểm. Giao dịch có nhiều biến động trong ngày, thị trường chật vật tìm hướng trong suốt phiên và ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch, các chỉ số giảm điểm.
Chuyên gia thuộc Goldman Sachs, ông Chris Hussey, nhận xét: “Trong tuần qua, có thể coi như một khoảng thời gian tạm lắng của thị trường khi mà nhà đầu tư đón nhận không quá nhiều thông tin kinh tế trước thềm dịp nghỉ lễ, đồng thời khoảng thời gian cao điểm của thông tin kinh tế quan trọng qua đi, ngoài ra, cũng chỉ còn 7 tuần nữa là đến năm 2023”.
“Trước thềm chỉ số CPI được công bố, thị trường đang quan tâm nhiều về triển vọng vĩ mô của thị trường, khả năng lạm phát đã lập đỉnh, hướng diễn biến lãi suất cũng như khả năng suy thoái kinh tế”, ông Hussey nhấn mạnh.
Trước đó trong ngày giao dịch, các chỉ số chính của thị trường hồi phục từ mức thấp sau khi phó chủ tịch Fed Lael Brainard nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sớm hãm tốc độ nâng lãi suất, thị trường vì vậy cảm thấy an tâm.
Tuyên bố của ông Brainard được đưa ra sau khi thống đốc của Fed Christopher Waller vào ngày Chủ Nhật nói rằng điểm cuối cùng của lãi suất liên bang tại Mỹ sẽ chưa đến. Tuyên bố của ông ban đầu gây sức ép lên tâm lý thị trường.
Trước tuyên bố của ông Brainard, thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu sau những thông tin cho thấy rằng Amazon sẽ sa thải ước tính khoảng 10.000 nhân viên vào thời điểm đầu tuần này. Cùng lúc đó, khảo sát của Fed cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đang tăng lên, chính vì vậy tiêu dùng của người dân cũng có phần chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trong tuần trước, chỉ số S&P 500 tăng 5,9% và như vậy có tuần tăng điểm tốt nhất tính từ tháng 6/2022. Nhà đầu tư đón nhận nhiều thông tin về lạm phát, họ tin rằng Fed sẽ sớm hãm tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ.
Tuần này, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, trong đó tập trung nhiều nhất vào nhóm các doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp ví như Walmart, Home Depot, Target, Lowe’s, Macy’s và Kohl’s sẽ thông báo về tình hình làm ăn kinh doanh trong quý 3/2022.
Thị trường chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 6/2022 khi mà thông tin công bố vào ngày thứ Năm cho thấy lạm phát Mỹ hạ nhiệt, nhiều thành viên thị trường tin Fed sẽ sớm hãm lại chương trình siết chặt chính sách tiền tệ.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,9% và đóng cửa tại mốc 3.992,93 điểm. Như vậy tính từ đầu tuần này, chỉ số tăng 5,9% và như vậy có tuần tăng điểm mạnh nhất tính từ ngày 24/6/2022. Chỉ số Nasdaq tăng 1,9% và đóng cửa ở mốc 11.323,33 điểm khi mà nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu công nghệ với hy vọng lãi suất sẽ hạ nhiệt đà tăng. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% và đóng cửa ở mốc 33.747,86 điểm.
Vào ngày thứ Sáu, cổ phiếu công nghệ đã tăng điểm trở lại dù rằng trước đó giảm điểm đó chịu ảnh hưởng từ việc giá trị các loại tiền mã hoá sụt giảm mạnh. Trong tuần qua, giá trị các loại tiền mã hoá sụt giảm mạnh sau khi sàn quản lý tiền mã hoá lớn của thế giới FTX nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản và CEO của FTX từ chức. Giá trị của đồng bitcoin và đồng ether đều giảm.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng hơn 1.200 điểm khi mà chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2022 tăng thấp hơn so với kỳ vọng. Chỉ số S&P 500 tăng 5,5% còn chỉ số Nasdaq tăng 7,4%. Đây là ngày giao dịch tốt nhất tính từ năm 2020 với cả ba chỉ số.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong ngày thứ Năm giảm bởi thông tin lạm phát Mỹ không cao như kỳ vọng.
Nếu tính cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 4,1%; chỉ số Nasdaq tăng 8,1%. Các chỉ số nối lại quá trình hồi phục sau khoảng thời gian dài giảm điểm trước đó từ giữa tháng 10/2022.