Hãng tin CNN cho biết nền tảng thời trang thương mại điện tử (TMĐT) Temu của Trung Quốc đã kiện chính người đồng hương Shein của mình trong cuộc tranh giành thị trường Mỹ. Phía Temu cáo buộc đối thủ đã vi phạm các quy định luật pháp của Mỹ khi cố gắng chiếm độc quyền nhà cung ứng cũng như thực hiện các hành vi trái phép khác.
Vụ kiện được thụ lý tại tòa án liên bang Massachusetts cho thấy một góc nhìn mới về 2 hãng thời trang trực tuyến mới nổi gần đây tại Mỹ. Mặc dù có cùng nguồn gốc Trung Quốc nhưng 2 thương hiệu này vẫn phải cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt bên cạnh các đối thủ địa phương.
Trước đó vào tháng 12/2022, Shein đã kiện Temu về việc cố tình điều hướng những người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOL) nhằm hạ thấp đánh giá về nền tảng trực tuyến của Shein.
Quay trở lại vụ kiện mới nhất, Temu tuyên bố Shein đã “tham gia vào một chiến dịch đe dọa, tuyên bố sai sự thật và thậm chí dùng những hành vi trừng phạt vô căn cứ” lên các nhà cung ứng, cửa hàng bán quần áo trực tuyến đang hợp tác với Temu. Ngoài ra, Shein cũng được cho là đang ép các nhà cung ứng thời trang phải làm việc độc quyền với mình nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Temu.
Hãng tin CNN cho hay động thái trên khiến nhiều chuyên gia bất ngờ khi cuộc xung đột Mỹ-Trung đang căng thẳng và những doanh nghiệp Trung Quốc đang là đích ngắm của chính quyền Washington. Tuy nhiên về lý thuyết, việc 2 công ty đồng hương này cùng hoạt động trong mảng bán thời trang trực tuyến, chuyên về thời trang nhanh, thay đổi mẫu mã liên tục với nguồn cung giá rẻ ở các nhà máy Trung Quốc sớm muộn gì cũng xảy ra tranh chấp.
Trước đó, giới truyền thông chỉ tập trung vào việc Shein lẫn Temu đang dần đánh bại Zara và H&M trong mảng thời trang nhanh với lợi thế giá rẻ hơn, thay đổi mẫu mã kịp xu hướng hơn và có một nền tảng TMĐT cực kỳ thuận tiện cho người tiêu dùng.
Thậm chí Shein đã vượt qua 2 ông lớn trên để dẫn đầu thị phần thời trang nhanh ở Mỹ trong đại dịch khi người dân thích mua sắm online hơn là phải tiếp xúc gần ngoài các cửa hàng của H&M và Zara, chưa kể các lệnh giãn cách khiến nhiều khu vực phải đóng cửa. Trong khi đó người chơi mới Temu dù mới thành lập vào năm 2022 cũng đã có sự bứt tốc cực kỳ nhanh chóng.
Mặc dù vậy, cái gì đến cũng phải đến khi sự cạnh tranh khốc liệt trong làng thời trang nhanh và TMĐT đã buộc 2 hãng đồng hương từ Trung Quốc phải bước vào cuộc chiến trực diện với nhau.
Tranh giành miếng ăn
Trong biên bản cáo trạng của Temu, hãng này tố cáo việc công ty tiến công thị trường Mỹ đã khiến Shein lo lắng và có các hành động chống phá.
Nền tảng Temu vốn thuộc về hãng PDD của Trung Quốc, vốn đang vận hành trang TMĐT Pinduoduo nổi tiếng. Hãng mới ra mắt nền tảng riêng tại Mỹ vào tháng 9/2023 chuyên bán hàng trực tuyến với mọi sản phẩm, từ đồ gia dụng, thiết bị điện tử cho đến thời trang với giá rẻ do bỏ qua bước trung gian mở cửa hàng.
Ứng dụng của Temu nhanh chóng trở thành nền tảng được tải nhiều nhất tại Mỹ khi mới ra mắt, đứng đầu cả ở trên hệ điều hành iOS lẫn Android.
Với kết quả này, Shein đã coi Temu là đối thủ và khơi mào một cuộc chiến khi chính hãng này cũng bán thời trang trực tuyến mà không có cửa hàng thực tế, qua đó nhập khẩu trực tiếp từ nguồn cung Trung Quốc với mức giá rẻ.
“Thị trường Mỹ đang trở thành sân khấu chính cho cuộc chiến này”, biên bản tố cáo của Temu nêu rõ.
Cũng theo Temu, phía Shein đã buộc các nhà cung ứng tại Trung Quốc phải ký kết thỏa thuận độc quyền, gắn chặt vào chuỗi cung ứng của họ mà không được làm việc với Temu. Đồng thời Shein cũng đưa ra các hình phạt vô lý với những nhà cung ứng nào không tuân thủ quy định trên, qua đó “giết gà dọa khỉ”, cảnh cáo các doanh nghiệp không được làm ăn với đối thủ.
Với việc cả 2 hãng Shein lẫn Temu đều dựa vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, sự cạnh tranh này là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên do là người đến sau nên Temu cho rằng phía Shein đang cố tình khiến đối thủ phải nhập hàng với giá cao hơn, có ít lựa chọn hơn và chất lượng thấp hơn, qua đó hạn chế khả năng cạnh tranh của Temu.
Khẩu chiến
Cách đây 2 năm, nền tảng Shein ra mắt đã nhanh chóng thu hút giới trẻ Mỹ khi trải nghiệm mua sắm trực tuyến lan rộng, cùng với lợi thế giá rẻ cũng như khả năng thay đổi mẫu mã liên tục bắt kịp xu hướng thời trang.
Nhờ ưu thế này cũng như đại dịch Covid-19 thúc đẩy TMĐT, hiện Shein đã chiếm hơn 75% thị phần thời trang nhanh ở Mỹ. Thế nhưng trong khi giới truyền thông đổ dồn vào việc doanh nghiệp Trung Quốc này đã hạ Zara lẫn H&M như thế nào thì chính người đồng hương Temu lại là đối thủ khiến Shein lo lắng.
Số liệu của Second Measure cho thấy trong tháng 5/2023, tổng chi tiêu của khách hàng Mỹ cho Temu đã vượt 20% so với Shein. Hậu quả là trong những tháng gần đây, hàng loạt các động thái cạnh tranh, chỉ trích lẫn nhau giữa 2 doanh nghiệp đồng hương liên tục diễn ra khắp các mặt trận, từ mạng xã hội cho đến kiện tụng lên tòa án.
Tháng 12/2022, Shein kiện Temu lên tòa án Illinois, cáo buộc hãng này thuê các KOL bôi xấu đối thủ trên mạng xã hội. Phía Shein cho rằng Temu đã trả tiền để các KOL này tuyên bố những lời sai trái như: “Shein không phải nền tảng bán quần áo rẻ duy nhất”...
Hiện vụ kiện này vẫn đang tạm hoãn và mới đây Temu lại đâm đơn kiện ngược lại Shein, cho rằng việc cố gắng kiểm soát các nhà cung ứng Trung Quốc của Shein đã gây thiệt hại cho Temu. Phía Temu cho biết kể từ tháng 10/2022 đến nay, việc Shein kiểm soát chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã khiến hơn 10.000 loại sản phẩm buộc phải rút khỏi nền tảng Temu.
“Những cuộc tấn công leo thang của Shein khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các bước đi pháp lý để bảo vệ quyền của chúng tôi lẫn những người đang kinh doanh trên Temu và cả với người tiêu dùng”, phía Temu nêu rõ.