
1. Mỹ ngày 26/3 quyết định áp thuế lên tới 25% đối với toàn bộ ô tô nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 2/4 tới. Động thái này dự báo sẽ đẩy giá thành ô tô lên cao, kìm hãm hoạt động sản xuất, làm gia tăng lạm phát và buộc các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh kế hoạch cắt giảm lãi suất. Các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài.
2. Mỹ tạm ngừng đóng góp tài chính cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quyết định được đưa ra cuộc họp ngân sách WTO ngày 4/3, vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ và đang đánh giá lại hiệu quả tham gia các tổ chức quốc tế. WTO đang lập "kế hoạch B" cho trường hợp bị cắt tài trợ trong thời gian dài. Tính đến cuối năm 2024, tổng số tiền mà Mỹ chưa đóng góp cho WTO đã lên tới 38,4 triệu franc Thụy Sỹ (43,4 triệu USD).
3. Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 29/3 ra tuyên bố chung về tác động của trận động đất tại Myanmar hôm 28/3, thể hiện tinh thần đoàn kết và cam kết hỗ trợ các quốc gia, cộng đồng bị ảnh hưởng. Thảm họa động đất tại Myanmar đã gây dư chấn mạnh tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách tâm chấn ở Myanmar khoảng 1.000 km về phía Nam, khiến một tòa nhà cao 30 tầng đang thi công bị sập hoàn toàn. Chính phủ Thái Lan đang khẩn trương rà soát giấy phép xây dựng nhà cao tầng, đánh giá tiêu chuẩn an toàn, quy hoạch đô thị và mã xây dựng.

4. Giá vàng chạm mức cao nhất mọi thời đại 3.086,70 USD/ounce trong phiên 29/3, do các kế hoạch áp thuế mới của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. Một loạt yếu tố khác như Mỹ cắt giảm lãi suất, xung đột địa chính trị và hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã góp phần đẩy giá vàng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce. Các nhà đầu tư đang đổ xô vào thị trường kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.
5. Giá đồng kỳ hạn lập mức cao kỷ lục, do thị trường lo ngại Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đối với kim loại công nghiệp thiết yếu này và khả năng ngừng vận chuyển từ nhà sản xuất hàng đầu Chile. Giá đồng trên sàn giao dịch Comex (Mỹ) đã tăng lên mức 5,2255 USD/pound (1 pound = 0,454 kg) trong phiên 25/3, vượt qua kỷ lục trước đó là 5,199 USD/pound được thiết lập vào ngày 20/5/2024.
6. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Tổ chức Conference Board (CB) ngày 25/3 công bố báo cáo cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào nền kinh tế trong tháng 3/2025 tiếp tục giảm, xuống còn 92,9 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump triển khai thực hiện các chính sách thuế quan, gây ra những xáo trộn không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế.
7. Hoạt động kinh doanh tại Eurozone tăng nhanh nhất trong 7 tháng, nhờ lĩnh vực sản xuất, vốn gặp khó khăn trong một thời gian dài đã cải thiện trong tháng 3/2025. Môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực ở Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể tạo thêm động lực trong những tháng tới khi các kế hoạch chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng, đặc biệt là ở Đức, làm gia tăng sự lạc quan vào sự xoay chuyển vận may kinh tế của châu Âu.
8. TikTok đổ bộ sang lĩnh vực thương mại điện tử tại châu Âu. Từ ngày 31/3 tới, người dùng mạng xã hội TikTok tại Italy, Pháp và Đức sẽ được sử dụng tính năng thương mại điện tử TikTok Shop để mua các sản phẩm thông qua ứng dụng này. Bước đi đánh dấu sự thâm nhập sâu hơn của TikTok vào ngành thương mại điện tử tại châu Âu, sau thành công tại nhiều thị trường trên khắp các châu lục.
9. Tỷ phú Elon Musk củng cố đế chế AI với thương vụ sáp nhập 33 tỷ USD. Ngày 28/3, tỷ phú Elon Musk thông báo đã hợp nhất công ty trí tuệ nhân tạo xAI với nền tảng mạng xã hội X (cùng do ông sở hữu) trong một giao dịch toàn bộ bằng cổ phiếu. Thương vụ này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt mới trong tham vọng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của ông Musk mà còn khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa dữ liệu và công nghệ AI.
10. Doanh số bán xe điện của Tesla tại châu Âu giảm gần 50%, do vấp phải sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các hãng xe châu Âu và châu Á, trong khi danh mục sản phẩm của hãng được cho là đang dần trở nên lỗi thời so với các mẫu xe điện mới được ra mắt trên thị trường. Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã vượt qua hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk trong năm 2024, sau khi doanh thu của BYD lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD (77 tỷ bảng Anh).