
Sau khi bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không của cả nước, Bộ Giao thông vận tải vừa tiếp tục phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, đến năm 2030, sân bay này trở thành cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn của ICAO), công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn 2050, cảng sẽ đạt công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cảng hàng không quốc tế Gia Bình sẽ có hai nhà ga, một nhà ga phục vụ chuyên cơ - Nhà ga VIP được quy hoạch phía Nam khu sân đỗ máy bay chuyên cơ; diện tích khu đất khoảng 3,2 ha. Nhà ga hành khách khai thác hàng không dân dụng kết hợp khai thác hàng không chung sẽ xây dựng phía Tây Nam nhà ga VIP.

Sân bay sẽ có một đường băng, kích thước 3.500m x 45m; có thể khai thác các loại máy bay như B777, B787, A350, A321 và các loại chuyên cơ, máy bay chuyên dùng khác.
Cảng có 26 vị trí đỗ máy bay, trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ xây dựng 11 vị trí đỗ máy bay.
Đài Kiểm soát không lưu sân bay nằm ở vị trí phía Đông Bắc nhà ga hành khách, diện tích khoảng 1,33 ha.
Sân bay được trang bị hệ thống hiện đại như đèn hiệu sân bay, thiết bị dẫn đường; hệ thống radar thời tiết, hệ thống quan trắc khí tượng tự động (AWOS), các công trình bảo đảm hoạt động bay khác.
Diện tích cảng này khi được đầu tư hoàn chỉnh khoảng 363,5 ha.
Để đồng bộ với hoạt động cảng này, Bộ GTVT cũng vừa bổ sung quy hoạch thêm bốn cảng cạn gắn với sân bay Gia Bình.
Các cảng cạn này gồm cảng cạn Tân Chi huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; cảng cạn Quế Võ huyện Quế Võ, Bắc Ninh; cảng cạn Yên phong huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và cảng cạn Gia Bình huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Các cảng cạn trên có năng lực thông quan từ 70.000 – 200.000 Teu (container 20ft)/năm; diện tích quy hoạch từ 7-52 ha, tùy từng giai đoạn.
Với quy mô như vậy, cảng hàng không quốc tế Gia Bình được đánh giá là một trong những cảng hàng không lớn bậc nhất phía Bắc và cả nước.
Gia Bình cách Nội Bài khoảng 60km
Cảng hàng không Gia Bình cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Hồi tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 1, dự án có mục tiêu xây dựng một sân bay đa năng, lưỡng dụng, có chức năng sân bay chuyên dùng tương đương cấp 4E, với đường băng dài 1.500 m, quy mô sử dụng đất khoảng 125 ha tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Hồi đầu năm nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 569/UBND-XDCB về việc bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Gia Bình, theo Báo Đầu tư. Trong đó, Cảng hàng không Gia Bình là sân bay chuyên dùng đầu tiên của lực lượng công an, đã được khởi công hồi giữa tháng 12/2024.
UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị xem xét chấp thuận cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Gia Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh Bắc Ninh đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giao địa phương này phối hợp với Bộ Công an triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Khi đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trên cơ sở nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không để thúc đẩy sản xuất thương mại, thương mại điện tử và phát triển các trung tâm logistics của tỉnh, việc tận dụng cơ sở hạ tầng khu bay đang được đầu tư xây dựng, việc hình thành Cảng hàng không Gia Bình phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của địa phương là cần thiết.
Theo đề xuất, Cảng hàng không Gia Bình có quy mô, cấp sân bay cấp 4E; công suất quy hoạch dự kiến là vận chuyển 1 - 3 triệu lượt hành khách/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm); vận chuyển từ 250.000 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm (có dự phòng phát triển mở rộng đáp ứng công suất từ 1,5 đến 2 triệu tấn hàng hóa/năm).