Cụ thể, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước, nhiều ngân hàng trung ương vẫn duy trì lộ trình tăng lãi suất, giá hàng hóa thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng đứng trước những rủi ro ngày càng tăng khi cầu thế giới suy giảm tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, áp lực lạm phát vẫn còn cao ngay từ đầu năm, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, bà Hà Thị Kim Nga, cán bộ kinh tế cao cấp Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải "chèo lái" trong một bối cảnh khó khăn, phải thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa kiềm chế lạm phát trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng mạnh, vừa đảm bảo nền kinh tế không giảm tăng trưởng mạnh khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.
"Lưu ý là lạm phát cơ bản vẫn cao và có thể quay lại nhanh nếu tâm lý tài chính toàn cầu xấu đi. Điều này đòi hỏi NHNN phải có những nghe ngóng, dự báo, quan sát để có chính sách phản ứng phù hợp nhất", bà Nga khuyến nghị.
Cũng theo đại diện IMF, chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất.
Đồng quan điểm, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho rằng, dù Fed đã bật tín hiệu dừng tăng lãi suất nhưng rủi ro lạm phát vẫn còn tiềm ẩn trong khi mặt bằng lãi suất vẫn neo ở mức cao.
Trước diễn biến trên, bà Bình cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Thứ nhất, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) với chi phí hợp lý để chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.