Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 2/2023 giảm đến tháng thứ 4 liên tiếp, tuy nhiên việc giá cả dịch vụ tăng lên khiến cho khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới lớn dần.
Dù rằng giá cả nhìn chung hạ nhiệt, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong đó có bao gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha, tăng tốc.
Thực tế này cho thấy các ngân hàng trung ương phải đương đầu với thách thức lớn như thế nào trong việc kiểm soát tốt lạm phát. Các cuộc đình công và bất ổn khắp khu vực đang đẩy mức lương tăng cao hơn, chính vì vậy lạm phát cũng trở nên dai dẳng hơn.
Việc chỉ số lạm phát nói chung sụt giảm sẽ vẫn tiếp diễn trừ khi giá năng lượng tăng mạnh trở lại giống như trong những tháng trước khi và sau khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát.
Tốc độ giá thực phẩm và dịch vụ tăng trong tháng 2/2023 cho thấy rằng lạm phát sẽ ở trên ngưỡng mục tiêu của ECB trong thời gian dài hơn so với tính toán của ECB.
Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy kinh tế châu Âu tăng trưởng nhanh hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế ECB, như vậy nó càng khiến cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu kêu gọi nâng lãi suất lên cao hơn.
Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, phát biểu trên truyền hình Tây Ban Nha rằng không còn hoài nghi gì về khả năng ECB sẽ phải nâng lãi suất vào ngày 16/3/2023 và có thể tiếp tục hành động sau đó nữa.
“Có khả năng rằng chúng ta sẽ vẫn tiếp tục con đường đó, tuy nhiên ở mức độ thế nào cũng không hề dễ để khẳng định”, bà Lagarde nói.
Cơ quan thống kê thuộc Liên minh châu Âu (EU) nói rằng chỉ số giá tiêu dùng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 2/2023 cao hơn 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức hạ đáng kể so với con số 8,6% của tháng 1/2023, và thấp hơn con số 10,6% của tháng 10/2022. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal trong tuần trước đã dự báo về mức giảm xuống 8,2%.
Italy là một trong bốn nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu có ghi nhận sự sụt giảm về lạm phát, mức hạ này đủ lớn để bù lại cho mức tăng tại nhiều nước khác.
Chỉ số lạm phát lõi của khu vực đồng tiền chung châu Âu, loại bỏ nhiều loại hàng hóa có giá cả biến động như thực phẩm hay năng lượng vốn được coi như dễ đẩy lạm phát leo thang, tăng lên ngưỡng cao kỷ lục 5,6% từ mức 5,3% của tháng 1/2023. Con số này có nguyên nhân từ việc lạm phát trong ngành dịch vụ tăng lên 4,8% từ mức 4,4%.
Giá cả dịch vụ tại Mỹ tháng 1/2023 tăng nhanh nhất trong vòng 12 tháng, theo chỉ số lạm phát được tính toán bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, một mối lo khác đối với các ngân hàng trung ương chính là việc liệu Trung Quốc từ bỏ chính sách không COVID-19 có khiến cho lạm phát toàn cầu leo thang.
Các nhà hoạch định chính sách thuộc ECB cho rằng giá cả dịch vụ có thể coi như chỉ báo tốt về áp lực lạm phát bắt nguồn từ khu vực đồng tiền chung châu Âu bởi nó không quá chịu ảnh hưởng bởi giá cả hàng hóa nhập khẩu mà ảnh hưởng nhiều bởi lương.
Giá cả thực phẩm tăng ở tốc độ nhanh hơn, mức tăng ghi nhận 15% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 2/2023, cao hơn so với mức tăng 14,1% của tháng 1/2023.
ECB đã phát đi thông điệp rằng ECB sẽ nâng lãi suất chủ chốt lên 3% từ mức 2,5% khi các nhà hoạch định chính sách gặp lần tới vào ngày 16/3/2023. Diễn biến trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu gần đây cho thấy rằng nhà đầu tư vẫn tin rằng sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất tiếp theo.