Tại hồ sơ thẩm định liên quan đến chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, Bộ Tài chính cho biết, sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc không thực hiện chính sách giảm lệ phí này. Lý do là thời gian qua Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu giải thích khi chính sách có sự phân biệt áp dụng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Cụ thể, tại phiên rà soát chính sách thương mại WTO lần 2 vào tháng 4/2021, Ban Thư ký đề nghị Việt Nam cung cấp thông tin về các biện pháp giảm tác động của COVID-19 với ngành công nghiệp ô tô. Tương tự, tại phiên họp Ủy ban Thương mại cấp Bộ trưởng với EU tại Bỉ vào cuối 2023, phía EU bày tỏ quan ngại việc Việt Nam lần thứ 3 giảm lệ phí trước bạ với xe trong nước. Từ đó, họ cho rằng Việt Nam vi phạm cam kết của EVFTA về phân biệt đối xử và tác động tiêu cực đến thương mại song phương.
Bộ Tài chính cho hay thời điểm đó, phía Việt Nam giải thích lý do ban hành chính sách để giúp doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là biện pháp tạm thời, thực hiện trong 6 tháng và hết hiệu lực vào cuối 2023. Việt Nam cũng khẳng định "đây là tình huống đặc biệt" và từ khi gia nhập WTO chưa từng có chính sách nào tương tự.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, giảm một nửa lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể dẫn tới khả năng khiếu nại dù không quá căng thẳng.
Bộ Tài chính vẫn hoàn thiện chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất trong nước theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra phương án để ứng phó trong trường hợp Việt Nam có thể bị khởi kiện. Ước tính, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỷ đồng khi tiếp tục chính sách này.
Cách đây 2 tháng, tại tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra phương án giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8. Nếu áp dụng, đây là năm thứ tư liên tiếp xe sản xuất trong nước được hưởng chính sách này.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 6/2024, số xe bán được trên toàn thị trường của các đơn vị thành viên VAMA đạt 26.575 xe các loại, tăng nhẹ 3% so với tháng 5/2024 và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo nguồn gốc xe, trong khi lượng xe lắp ráp trong nước lại tăng 8% so với tháng 5/2025, đạt 12.962 xe thì lượng tiêu thụ xe nhập khẩu có phần chững lại, giảm 1% so với tháng trước, đạt 13.613 chiếc.
Ngày 17/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2024 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2024.