Thời hạn nộp báo giá trong đấu thầu là ngày 1/11, dự kiến sẽ có cuộc đàm phán về giá trong vài ngày trước khi đưa ra quyết định. Đấu giá sẽ được tiến hành bằng cách sử dụng hệ thống lô. Mỗi lô có số lượng xấp xỉ 30.000 tấn gạo.
Trước đó, Bulog phát hành thư mời thầu đến các nhà xuất khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Pakistan để mua 340.000 tấn gạo 5% tấm, điều kiện là gạo được sản xuất trong năm 2024 và xay xát không quá 6 tháng. Thời giao hàng là từ tháng 11 đến tháng 12/2024. Tuy nhiên, ngày 23/10, họ ra thông báo hủy thầu.
Đây là lần thứ 9 trong năm nay Bulog mời thầu nhập khẩu gạo quốc tế nhưng đã hủy. Bây giờ, đơn vị này mở lại đợt thầu lần thứ 9 nhưng với khối lượng lên đến 500 ngàn tấn gạo.
Ông Lê Anh Nam, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Lương thực A An (Tập đoàn Tân Long) cho biết, hiện tại đang là vụ thu hoạch của Thái Lan, Pakistan nên giá gạo của hai nước này sẽ khá cạnh tranh, đồng thời trong mấy tháng qua Việt Nam cũng trúng thầu Indonesia khá nhiều nên gói thầu lần này chắc chắn Bulog vẫn sẽ có một số lô dành cho Việt Nam.
Đối với thầu Bulog, nếu cần mua 400.000 tấn gạo thì họ sẽ mở ít nhất khoảng 11 lô, trong đó mỗi một lô khoảng 30.000 tấn gạo, và cân đối xem thời điểm mở thầu này sẽ đang là thời vụ của bên nào để ưu tiên dành lượng thầu cho bên đấy.
Tại phiên thầu lần thứ 8 diễn ra vào ngày 25/9, Bulog có nhu cầu mua 450.000 tấn gạo, với 15 lô mỗi lô tương đương 30.000 tấn gạo. Tại phiên thầu này Việt Nam chỉ được bỏ 3 lô, số lô còn lại họ dành cho Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Tại gói thầu này doanh nghiệp Việt Nam bán được 59.000 tấn.
“Bulog rất linh hoạt trong việc mở thầu, có lần họ sẽ cố định lô nào của của nước nào, có lần họ để cho nước nào muốn bỏ thầu lô nào thì cứ bỏ. Trong phiên thầu sắp tới, khả năng Bulog sẽ dành cho Việt Nam khoảng 2 đến 3 lô, khoảng 100.000 tấn là tối đa, vì họ biết vụ Hè Thu của Việt Nam đã xong, vụ Thu Đông sản lượng không nhiều, phải sang vụ Đông Xuân lúc đó Việt Nam mới có nhiều gạo để có thể cạnh tranh với các nước khác”, Phó Tổng Giám đốc Lương thực A An nói.
Nhiều người dự đoán khả năng gói thầu lần 9 Bulog sẽ ưu tiên cho Ấn Độ nhiều hơn, nhưng đến ngày 28/10 mới biết chính xác vì hôm đó doanh nghiệp các nước sẽ họp với Bulog để xem họ phân bổ.
Theo ông Nam, sở dĩ Bulog sẽ dành phần lớn lô thầu của phiên đấu thầu lần thứ 9 cho các quốc gia như Thái Lan, Pakistan hay Ấn Độ vì 2 lý do:
Thứ nhất, thời điểm hiện tại lượng gạo Việt Nam không còn dồi dào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể tham gia thầu Bulog được và ở một mức giá chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn những lần trước, vì vừa rồi Ấn Độ mở cửa lại thị trường thì giá gạo 5% tấm của Việt Nam có giảm.
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, đạt hơn 1,033 triệu tấn, trị giá 624,757 triệu USD, tăng 16,84% về lượng và tăng 35,05% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã trúng thầu Bulog khá nhiều, cho nên họ sẽ cân nhắc dành ưu tiên cho các thị trường khác như: Ấn Độ, Thái Lan, … Đặc biệt là Thái Lan, mặt dù chắc chắn một điều là giá gạo mua của Thái Lan sẽ cao hơn Việt Nam.
Được biết, năm 2024, Indonesia có kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 3,6 triệu tấn gạo nhằm bổ sung cho tiêu dùng nội địa, do thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn gạo sản xuất trong nước.
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), nhập khẩu gạo của Indonesia trong giai đoạn từ tháng 1 - 9/2024 đạt 3,22 triệu tấn, trị giá 2,01 tỷ USD. Để mua đủ 3,6 triệu tấn gạo như kết hoạch, nước này sẽ phải nhập khẩu thêm 380 ngàn tấn gạo trong năm nay.