Đến ngày 28/9/2024, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm toàn diện đối với việc xuất khẩu gạo trắng non-basmati (gạo trắng thường) ra nước ngoài và áp đặt giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) là 490 USD/tấn (FOB). Như vậy, các thương nhân bán gạo tại cảng Ấn Độ không được dưới 490 USD/tấn, so với mức giá trước khi tạm ngừng xuất khẩu là cao hơn khá nhiều.
Trước đó, nhằm đảm bảo nguồn cung gạo trong nước và kiểm soát giá cả, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp đặt thuế bổ sung đối với gạo trắng non-basmati xuất khẩu vào tháng 8/2022.
Đến tháng 7/2023, Ấn Độ ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng thường, áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo đồ và ấn định giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo basmati ở mức 950 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo trắng non-basmati đã bị cấm kể từ ngày 20/7/2023 để tăng nguồn cung trong nước.
Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các hạn chế đối với một số mặt hàng xuất khẩu gạo, trong đó có gạo trắng non-basmati; giới hạn giá tối thiểu được đặt ở mức 490 USD/tấn. Một động thái có thể làm giảm giá gạo toàn cầu và báo hiệu sự thay đổi trong chính sách nông nghiệp trong nước sau cuộc bầu cử quốc gia gần đây.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 3 USD, xuống còn 562 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đang ở mức 556 USD/tấn, Pakistan là 532 USD/tấn và Myanmar đang ở mức 499-500 USD/tấn.
Nhận định về diễn biến của thị trường khi Ấn Độ cho xuất khẩu lại gạo non-basmati, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc Ấn Độ cho xuất khẩu lại gạo trắng thường sẽ không ảnh hưởng đến gạo Việt Nam, bởi gạo Ấn Độ và gạo Việt Nam khác nhau hoàn toàn.
Theo ông Nam, mới đây, tại hội nghị gạo ở Thái Lan mọi người đều đưa ra dự đoán rằng Ấn Độ sẽ mở cửa thị trường lại nhưng giá gạo sẽ không xuống mà vẫn lên. Giá lên hay xuống phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường đối với loại hàng hóa đó.
“Có nhận định là Việt Nam đang thiếu loại gạo này nên khi Ấn Độ mở cửa lại thị trường gạo trắng thường là điều tốt. Khả năng Việt Nam sẽ đẩy mạnh nhập khẩu loại gạo này để phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong điều kiện nguồn hàng này Việt Nam không có nhiều, trong khi các tỉnh phía Bắc bị bão lũ”, Phó chủ tịch VFA nói.
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 353,417 ngàn tấn gạo, trị giá 215,311 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2023 tăng 14,72% về lượng và tăng 13,05% về trị giá.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2024 Việt Nam đã xuất khẩu được 6,497 triệu tấn gạo, mang về 4,06 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,14% về lượng và tăng 21,12% về kim ngạch.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 625,9 USD/tấn, tăng 15% về giá so với bình quân của 8 tháng đầu năm 2023.