Tính đến ngày 23/1, kỳ công bố BCTC quý 4/2023 đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp báo lỗ. Không ít những cái tên trong số này đã thua lỗ triền miền trong nhiều quý vừa qua, nhưng cũng không ít những cái tên gây bất ngờ.
Ở phía những cái tên thua lỗ triền miên có thể kể đến CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS). Hiên Nosco cũng đang là công ty báo lỗ lớn nhất trong quý 4/2023 với lợi nhuận âm 122 tỷ đồng. Thực tế, doanh nghiệp này đã liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 12 năm kể từ năm 2011 đến nay.
Tại ngày 31/12/2023, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên đến 5.062 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ ở mức 200,5 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 4.803 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn của doanh nghiệp được tài trợ bằng nợ vay.
Trong nhóm "lỗ triền miên" còn có thể kể Nước Giải khát Chương Dương (SCD) với khoản lỗ trước thuế hơn 40 tỷ đồng. Trong quý 4/2023, doanh thu 39,4 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 là nguyên nhân khiến công ty báo lỗ.
Lũy kế năm 2023, Nước giải khát Chương Dương ghi nhận 126 tỷ đồng doanh thu, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ 119 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 49 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp công ty này báo lỗ và cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.
Tại thời điểm 31/12/2023, Nước giải khát Chương Dương đã lỗ lũy kế 201 tỷ đồng. Dù có vốn điều lệ của công ty chỉ ở mức 85 tỷ đồng, cùng khoản quỹ đầu tư phát triển 104,4 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp đã ấm vốn chủ sở hữu 11,7 tỷ đồng.
Một ví dụ khác có thể kể đến là BOT Cầu Thái Hà (BOT) khi doanh nghiệp này báo lỗ 19 tỷ đồng trong quý 4/2023. Đây đã quý thứ 8 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.
Lũy kế năm 2023, BOT Cầu Thái Hà ghi nhận doanh thu 44,7 tỷ đồng, giảm 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ tổng cộng hơn 90 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 79,5 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp công ty này lỗ kể từ khi bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Tại thời điểm 31/12/2023, BOT Cầu Thái Hà đã lỗ lũy kế tổng cộng 444 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty này ở mức 592,5 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 148,5 tỷ đồng.
Ngoài những cái tên đã nêu, một số công ty như VKC Holdings (VKC), Quốc tế Hoàng Gia (RIC), Halico (HNR), Tập đoàn Tiến Bộ (TTB)... là những cái tên cũng thường xuyên báo lỗ.
Những doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ
Bên cạnh những cái tên có truyền thống lỗ, cũng không ít doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ trong quý 4/2023. Có thể kể đến như Nhiệt điện Hải Phòng (HND) với khoản lỗ lớn thứ hai tính đến ngày 23/1.
Trong quý vừa qua, Nhiệt điện Hải Phòng báo lỗ sau thuế 115,3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước công ty này này cũng lỗ hơn 32,5 tỷ đồng. EPS ở mức âm 231 đồng. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lỗ này do sửa chữa tổ máy 1 hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023 nên chi phí này cũng được ghi nhận vào BCTC quý 4/2023 (267 tỷ đồng).
Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) cũng là một trường hợp gây bất ngờ như thế. Trong quý 4/2023, doanh nghiệp này đã báo lỗ 7 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên công ty này ghi nhận lợi nhuận âm trong năm 2023.
Theo giải trình từ phía công ty, khoản lỗ quý 4/2023 tăng có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên là thời tiết trong quý 4 với gió mạnh tại các tuyến Phú Quốc – Rạch Giá, Phan Thiết – Phú Quý thời gian ngừng hoạt động trong các lần gió giật mạnh hơn 10 ngày. Thứ hai, các yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường du lịch tại Phú Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Trong bối cảnh hàng loạt công ty chứng khoán báo những khoản lợi nhuận tăng mạnh, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) báo lỗ 394 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm 2022 lãi 250 tỷ. Đây là mức lỗ đậm nhất nhóm CTCK trong năm qua.
TVSI được biết đến là CTCK có nhiều mối liên hệ với Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. TVSI là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông - doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát . Ngoài ra, theo BCTC soát xét bán niên 2023, TVSI có hơn 1.600 tỷ đồng tiền bị phong toả tại Ngân hàng SCB bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán và tiền gửi phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng.
Trong số những công ty báo lỗ, bất ngờ lại có sự xuất hiện của một ngân hàng là PGBank (PGB) với khoản lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 4/2023. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này báo lỗ trong một quý.
Theo giải trình từ phía ngân hàng này, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lỗ năm vừa rồi là do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do đỗ trễ và trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023. Ngoài ra PGBank chi trả thù lao cho công tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng làm chi phí hoạt động tăng.