Bamboo Airways trước cuộc “đại tu”

Bên cạnh việc thành công nâng vốn điều lệ lên hơn 26.220 tỷ đồng để đảm bảo điều kiện tiếp tục hoạt động kinh doanh hàng không, Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo cấp cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lộ diện nhà đầu tư mới, nâng vốn điều lệ thành công lên 26.220 tỷ

Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cho biết, nhà đầu tư mới đã rót thêm gần 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu nguồn vốn, chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để cân bằng các khoản lỗ, đưa vốn điều lệ của hãng dương trở lại, đảm bảo điều kiện cho hãng tiếp tục hoạt động kinh doanh hàng không và có thể xin tăng quy mô đội bay.

Trong khi đó, theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 10/5/2023, CTCP Hàng không Tre Việt đã thành công nâng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng và trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra trước đó một ngày (ngày 9/5), cổ đông của Bamboo Airways đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng như trong bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm – Thành viên HĐQT của công ty. Trong đó bao gồm 7.720 tỷ đồng phát hành để hoán đổi nợ và 3.780 tỷ đồng phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, ông Sâm đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không có tài sản đảm bảo. Số tiền này gần như tương đương với số Bamboo Airways tăng vốn để hoán đổi nợ.

Đáng chú ý, số tiền mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay cũng gần tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay. Theo thông tin được cựu Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cho biết trong một bài phỏng vấn hồi tháng 3/2023, trong thời điểm khó khăn, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn, điển hình như Tập đoàn Him Lam đã cho hãng vay 8.000 tỷ đồng.

Được biết, ông Lê Thái Sâm đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Bamboo Airways và tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới (ngày 21/6) HĐQT Bamboo sẽ trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm của ông Sâm.

Như vậy, với việc vốn điều lệ đã tăng thêm 7.720 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, nếu hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm không lỗ hoặc lỗ không quá lớn, đồng thời, kế hoạch phát hành thêm 378 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để huy động thêm 3.780 tỷ đồng trong năm 2023 thành công, thì Bamboo hoàn toàn có khả năng thoát âm vốn chủ sở hữu.

Trước đó, trong báo cáo tài chính 2022 đã kiểm toán, Bamboo Airways cho biết, thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu hãng bay âm 836 tỷ đồng do đang lỗ luỹ kế gần 19.336 tỷ đồng, trong đó, riêng khoản lỗ của năm 2022 đã lên tới hơn 17.600 tỷ (chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 12.500 tỷ đồng và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết hơn 700 tỷ đồng).

Ngoài ra, nếu Bamboo Airways thành công nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng, hãng bay sẽ có thêm nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch như lời Chủ tịch hãng bay này tiết lộ mới đây.

Theo đó, thời gian tới, Bamboo Airways sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đội bay, mở rộng mạng lưới đường bay, đặc biệt là với thị trường quốc tế. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng là vận chuyển hàng không.

Đồng thời, hãng sẽ tập trung tối ưu hoá chi phí thông qua việc xây dựng hệ sinh thái toàn diện bổ trợ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ví dụ là việc thành lập các công ty dịch vụ hàng không như công ty xăng dầu hàng không, công ty dịch vụ mặt đất hàng không, công ty suất ăn hàng không đã được triển khai ngay từ khi có sự tham gia và hỗ trợ nguồn lực của nhà đầu tư mới.

Bamboo Airways cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động quản lý, khai thác, chăm sóc khách hàng…

Với các kế hoạch này, lãnh đạo Bamboo Airways kỳ vọng sang năm 2024, công ty sẽ ghi nhận lãi và trong vài năm tới sẽ bù được khoản lỗ gộp hiện tại.

“Thay máu” dàn lãnh đạo?

Bên cạnh cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, tại ĐHĐCĐ thường niên tới đây, Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao.

Bamboo Airways dự kiến trình các cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức chức vụ thành viên HĐQT đối với các ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Nguyễn Mạnh Quân và bầu mới 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ năm 2023 -2028.

Đồng thời, Bamboo Airways cũng dự kiến trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ nhân sự Ban Kiểm soát gồm ông Trần Anh Tuấn, ông Phạm Văn Hùng và ông Nguyễn Đăng Khoa và sẽ bầu bổ sung 3 thành viên thay thế cho nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Theo lời Chủ tịch Bamboo Nguyễn Ngọc Trọng, ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Bamboo Airways diễn ra trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của HĐQT đương nhiệm. Do đó, các thành viên thống nhất từ nhiệm để ĐHĐCĐ bầu ra các thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2023-2028, với cơ cấu gồm 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch và 3 thành viên HĐQT.

Tuy nhiên, ông Trọng cũng cho biết, phần lớn các thành viên HĐQT cũ sẽ tiếp tục ứng cử khóa tới và dự kiến sẽ bổ sung một số thành viên mới, là các lãnh đạo cấp cao, dày dặn kinh nghiệm hàng không trên thế giới để kiện toàn bộ máy lãnh đạo.

Trước đó, ngày 21/5/2023, HĐQT Bamboo Airways đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Minh Hải kể từ ngày 24/5/2023, sau khi thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Mạnh Quân.

Tân Tổng giám đốc của Bamboo Airways có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và các công ty thành viên, như: Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Tổng giám đốc hãng hàng không Cambodia Angkor Air…

Theo Bamboo Airways, sự chuyển giao vị trí Tổng giám đốc Bamboo Airways từ ông Nguyễn Mạnh Quân sang ông Nguyễn Minh Hải là một phần trong tiến trình tái cấu trúc Bamboo Airways, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị - điều hành, nhằm hướng tới mở rộng thị trường và phát triển bền vững.

Ngoài thay Tổng giám đốc, gần đây, trang tin NNA Asia trực thuộc Hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản cũng dẫn lại lời ông Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, hãng hàng không này đang lên kế hoạch chiêu mộ hai cựu lãnh đạo cấp cao của Japan Airlines vào ban quản trị.

Theo đó, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không thuộc hãng Hàng không Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT của Bamboo Airways và giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp. Còn ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ đảm nhiệm vị trí Cố vấn cao cấp của HĐQT Bamboo Airways.

Như vậy, với một cuộc “đại tu” diện rộng, ban lãnh đạo của Bamboo Airways đang thể hiện rõ quyết tâm “tạo bước chuyển mình mới, bước vào một thời kỳ mới tập trung phát triển mạnh mẽ hơn theo chiều sâu, vươn mình trở thành thương hiệu hàng không châu Á”. Nhất là khi “ban lãnh đạo và nhà đầu tư mới đã nắm rõ tình hình và có các động thái để đồng hành cùng hãng tháo gỡ khó khăn” như lời Chủ tịch Bamboo Airways nói.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Tập đoàn Dabaco (Ảnh minh hoạ)

Dabaco lãi lớn trong quý I

Quý I/2024, Dabaco ghi nhận gần 3.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 73 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái từng lỗ 321 tỷ đồng.

Trên thực tế nhà ở riêng lẻ và chung cư trong khu vực trung tâm đều không còn nguồn hàng. (Ảnh: MarketTimes).

Bất động sản riêng lẻ và đất nền có thật sự tồn kho?

Bộ Xây dựng công bố lượng tồn kho tại các dự án trong quý I năm nay chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền. Tuy nhiên, một số đơn vị nghiên cứu cho rằng đất nền và nhà ở riêng lẻ đã trở lại sôi động hơn so với quý 4/2023.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE