Tối ngày 25/6, chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu RP-C9799 đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chính thức gia nhập đội bay của Bamboo Airways. Đây là máy bay thuê ướt thứ 3 mà Bamboo Airways đã nhận từ đầu năm 2024 đến nay trong nỗ lực tăng nguồn cung cho thị trường hàng không nội địa.
Với sự tham gia khai thác của máy bay mới, Bamboo Airways dự kiến tăng tải cung ứng, tập trung vào các đường bay du lịch đang có nhu cầu cao như các đường bay kết nối với Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn…
Từ đầu năm 2024, Bamboo Airways đã thuê ướt 2 máy bay Airbus A320 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đón đầu đợt cao điểm Tết Giáp Thìn. Việc thuê thêm máy bay khiến chi phí đầu vào của hàng không tăng vọt, nhất là chi phí thuê máy bay song Bamboo Airways vẫn nỗ lực tìm giải pháp tăng nguồn cung vé, góp phần giảm nhiệt cho thị trường hàng không nội địa.
Trước đó, hãng hàng không Pacific Airlines cũng công bố cất cánh trở lại từ ngày 26/6 sau 3 tháng dừng bay. Với 3 máy bay, hãng sẽ khai thác hàng ngày các đường bay giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng, Chu Lai từ 6 đến 8 chuyến bay/ngày.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam nhận định giá vé máy bay nội địa chỉ có thể hạ nhiệt và có nhiều ghế dành cho các loại vé giá rẻ khi số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam được tăng lên.
Hiện tại tổng số máy bay đang được tất cả các hãng đang khai thác chỉ còn khoảng 160 chiếc, thiếu hụt 60-70 chiếc so với trước đại dịch.
Do đó, Bamboo Airways đã bổ sung máy bay phục vụ thị trường nội địa thông qua việc tìm kiếm, đàm phán với các đối tác trên khắp thế giới. Hãng dự kiến sẽ tiếp tục thuê thêm 1 máy bay trong giai đoạn từ nay đến cuối năm để mở thêm các đường bay nội địa như TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh - Phú Quốc… phục vụ hành khách.
Theo Tổng giám đốc Bamboo Airways, việc thuê thêm máy bay cũng là minh chứng cho đà phục hồi ổn định và khả quan của Bamboo Airways. Về cơ bản Bamboo Airways đã kết thúc giai đoạn tái cấu trúc đội máy bay, mạng đường bay và mô hình kinh doanh, bắt đầu tăng trưởng trở lại, với mục tiêu khôi phục quy mô đội bay 30 tàu đã đặt ra và tiến xa hơn nữa trong các năm tiếp theo, đáp lại sự mong đợi của các khách hàng, nhà đầu tư đã tin tưởng, đồng hành với Bamboo Airways.
“Thẳng thắn mà nói, bay nội địa chưa thể có lãi trong bối cảnh mặt bằng các chi phí đầu vào hiện tại và cơ chế giá trần vé máy bay nội địa đang được áp dụng. Tuy nhiên, Bamboo Airways vẫn cố gắng tăng thêm máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại người dân tốt hơn, trong khi chờ sự cải thiện các điều kiện, môi trường kinh doanh vận tải hàng không nội địa”, ông Lương Hoài Nam cho biết thêm.
Ngày 5/7 tới đây, Bamboo Airways sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đại hội, Bamboo Airways dự kiến sẽ thông qua báo cáo về hoạt động kinh doanh năm 2023 và định hướng kinh doanh năm 2024, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, kế hoạch phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2023 cùng một số nội dung khác.