Nội dung chính: Baemin thông báo dừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 8/12 tới do tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu cũng như sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nước sở tại. Trước đó, ứng dụng này đã dừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An (Quảng Nam) và Bắc Ninh. Baemin gia nhập thị trường giao đồ ăn Việt Nam từ năm 2019, nhanh chóng gia tăng thị phần lên 12% vào năm 2022
Baemin vừa gửi thông tin cho các đối tác của mình, cho biết nền tảng giao đồ ăn trực tuyến này sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 8/12/2023.
“Baemin rất tiếc khi phải thông báo rằng công ty mẹ của chúng tôi, Delivery Hero, đã quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 8/12/2023. Quyết định rời khỏi Việt Nam này được thúc đẩy bới tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”, email của Baemin viết.
Baemin vẫn hoạt động bình thường đến 0h ngày 8/12/2023. Ngày cuối cùng đối tác có thể truy cập ứng dụng Đối tác Nhà hàng Baemin là ngày 12/12/2023. Ứng dụng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc cũng cam kết thanh toán đầy đủ các khoản công nợ trong thời gian hoạt động còn lại, đồng thời hoàn trả chi phí quảng cáo và tiếp thị đã trả trước cho tháng 12/2023 sau khi hoàn thành đối soát.
Baemin bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam từ giữa năm 2019 sau khi hoàn tất thâu tóm ứng dụng giao đồ ăn Vietnammm. Đến nay, bên cạnh lĩnh vực giao đồ ăn cốt lõi, Baemin còn cung cấp một số dịch vụ khác như đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.
Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, thành viên của liên doanh giữa Woowa Brothers – công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero – tập đoàn công nghệ giao đồ ăn tại hơn 50 quốc gia.
Sau 4 năm hoạt động, Baemin là một trong 6 ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến tại Việt Nam bao gồm Now (đã đổi tên thành ShopeeFood), LoShip, GrabFood, BeFood, GoFood, Baemin. Trong đó ShopeeFood là ứng dụng có mặt đầu tiên, từ năm 2016.
Giai đoạn mới gia nhập thị trường, ứng dụng đến từ Hàn Quốc hợp tác với nhiều nghệ sĩ để thu hút sự chú ý, sau đó phủ sóng các thị trường lớn ở Hà Nội và TP.HCM bằng những biển quảng cáo lớn màu xanh ở các khu vực trung tâm.
Chiến lược marketing của Baemin nhanh chóng mang lại kết quả khả quan khi gia tăng thị phần từ 3% vào năm 2021 lên 12% vào năm 2022. Nhưng hành trình của Baemin không hề dễ dàng khi hai ông lớn là GrabFood và ShopeeFood vẫn chiếm tới 86% thị phần, theo dữ liệu từ Momentum Works.
Hồi tháng 8, Niklas Östberg, đồng sáng lập, kiêm CEO Delivery Hero nói với Reuters rằng triển vọng của công ty tại châu Á là tích cực, trừ Việt Nam - thị trường họ cho rằng hoạt động kinh doanh "không bao giờ có lãi".
Hồi tháng 9,trong một email gửi tới nhân viên, bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam cho biết đang thu hẹp quy mô hoạt động tại thị trường Việt Nam. Lúc này, công ty đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An (Quảng Nam) và Bắc Ninh.
"Quyết định rút lui khỏi hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam không phải là một quyết định được xem nhẹ”, bà Cao Thị Ngọc Loan viết.
“Thật không may, quyết định này đã được đẩy nhanh bởi môi trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam với sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng”, email nêu thêm.