Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Abdul Aziz cho biết, Malaysia sẽ không tránh khỏi tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2023 vì cả ba động lực kinh tế chính của thế giới là châu Âu, Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong năm tới so với năm nay. Do đó, Malaysia phải chuẩn bị sẵn sàng những gì cần thiết để giảm thiểu những tác động có thể xảy ra do suy giảm kinh tế trên thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tengku Zafrul cảnh báo, sự suy thoái là không thể tránh khỏi đối với một quốc gia có nền kinh tế mở như Malaysia khi các đối tác thương mại giảm tốc. “Để nói rằng chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm toàn cầu là không đúng.
Chắc chắn chúng tôi (Malaysia) sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm toàn cầu. Tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi vì thời điểm này, tất cả các nền kinh tế lớn được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, từ châu Âu, Mỹ và Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Ông lập luận, nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, Trung Quốc đã tăng trưởng từ 7% đến 8%, điều này đã giúp giảm bớt sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, nhưng lần này cả ba nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023 so với năm 2022, tuy nhiên đây chỉ là dự báo, hiện mới chỉ là tháng Chín.
Đề cập đến vấn đề dự thảo ngân sách năm 2023 của Malaysia, dự kiến sẽ được trình trước Quốc hội vào đầu tháng tới, Bộ trưởng Tài chính cho biết Ngân sách sẽ tiếp tục ưu tiên cho chương trình cải cách cơ cấu của quốc gia và duy trì đà phục hồi kinh tế, để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu của người dân và doanh nghiệp trước bất kỳ khó khăn nào trong tương lai, đặc biệt là những thách thức bắt nguồn từ sự bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Những dự báo về quý 4 bất ổn
Theo ông Tengku Zafrul, những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. “Trên thực tế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống 3,3% cho năm 2022, tỷ lệ thấp nhất so với các nước đang phát triển ở châu Á lần đầu tiên kể từ 30 năm trước.
Bên cạnh đó, các yếu tố biến đổi khí hậu cũng được cho là sẽ làm gián đoạn năng suất của các nhà sản xuất lương thực lớn như Ấn Độ, do đó góp phần làm tăng giá hàng hóa và lương thực. Những yếu tố này sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ lệ lạm phát và an ninh lương thực trên toàn thế giới, bao gồm cả Malaysia”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Tengku Zafrul khẳng định nền kinh tế Malaysia vẫn đang phát triển chắc chắn với lạm phát thấp, GDP tăng trưởng dương, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, cũng như tăng trưởng ngoại thương.
Bộ trưởng đưa ra những con số cụ thể: “Cho đến nay, lạm phát vẫn được kiểm soát với tỷ lệ 4,4% vào tháng 7/2022. Trong giai đoạn từ tháng 1-7/2022, lạm phát là 2,8%, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới do khoản hỗ trợ của các công ty con lên tới gần 80 tỷ ringgit (RM). GDP phục hồi tích cực tới 3,6% trong quý 4/2021, 5% trong quý 1 và 8,9% trong quý 2 năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong 12 tháng liên tiếp, với tỷ lệ thất nghiệp là 3,7% vào tháng 7/2022, so với 5,3% vào tháng 5/2020”.
Ông nhấn mạnh: “Đây là sự thật, những con số không biết nói dối. Tất cả những thành công này cũng được đóng góp bởi chính sách tài khóa mở rộng thông qua Ngân sách 2022 và chính sách tiền tệ vẫn phù hợp. Theo đó, trong năm 2022, GDP của Malaysia dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn, từ 5,3% đến 6,3%”.
Kết thúc buổi họp báo, Bộ trưởng Tài chính Tengku bày tỏ, từng trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, Malaysia biết một cuộc khủng hoảng sẽ như thế nào vì vậy “chúng tôi rất tự tin nền kinh tế Malaysia sẽ phát triển mạnh hơn dự báo bởi chúng tôi đã có những bước tiến chắc chắn từ đầu năm cho đến nay”.