CASA nhiều ngân hàng giảm mạnh
Trong bối cảnh cuộc đua lãi suất huy động đang ngày một “nóng”, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lại càng cho thấy tầm quan trọng của mình, như là cấu phần lớn giúp các ngân hàng pha loãng chi phí vốn.
Tuy nhiên, những con số trong báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm nay tại các nhà băng cho thấy diễn biến không mấy khả quan liên quan đến chỉ số này.
Khảo sát tại 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2022 cho thấy, có tới 18 ngân hàng, tương đương tỷ lệ gần 67% ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong 9 tháng đầu. Tỷ lệ CASA bình quân của nhóm theo đó đã giảm khá mạnh, xuống còn 16,7%, từ mức 18% hồi đầu năm nay.
Tại KienLongBank, tính tới cuối tháng 9/2022, lượng tiền gửi khách hàng giảm 17,8% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh tới 51,3%, xuống còn gần 3,9 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 9,2% kết thúc quý 3/2022, nằm trong nhóm những nhà băng có CASA giảm mạnh nhất và ở mức thấp trong nhóm khảo sát.
Tại TPBank, dù tiền gửi khách hàng tăng mạnh 16,6% trong 9 tháng qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại giảm 13,1% khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm khá mạnh xuống còn 17,3%, từ mức 23,3% hồi đầu năm.
Nguồn: BCTC quý 3 của các NHTM, Trần Thúy tổng hợpMột số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi này giảm mạnh bao gồm LienVietPostBank giảm 3,8 điểm %, BacABank giảm 3,5 điểm %, Saigonbank giảm 3,1 điểm %, VPBank giảm 3 điểm %,…
Đáng chú ý, việc tỷ lệ CASA đi xuống không chỉ diễn ra ở các thành viên có quy mô vừa và nhỏ. Những nhà băng vốn luôn đứng đầu hệ thống trong việc thu hút nguồn vốn rẻ cũng ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm khá mạnh trong 9 tháng qua.
Tại Techcombank, dù lượng tiền gửi khách hàng vẫn nhích nhẹ 1,3% trong 3 quý đầu năm nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn đã giảm 6,7%, khiến tỷ lệ CASA của ngân hàng dù vẫn dẫn đầu hệ thống nhưng đã giảm khá mạnh so với đầu năm, xuống còn 46,5%.
Trong khi đó, tại MB, lượng tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9/2022 đã giảm 2% so với đầu năm trong khi lượng tiền gửi không kỳ hạn cũng đã “hụt” mất hơn 16 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,5%. Tỷ lệ CASA của ngân hàng theo đó cũng giảm 3,4 điểm %, xuống còn 41,6%.
Nguồn: BCTC quý 3 của các NHTM, Trần Thúy tổng hợp.Khảo sát cũng cho thấy, có tới 14/27 nhà băng (tương đương 51,9%) sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%. Trong đó, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất khi chỉ 4,9% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn. VietCapitalBank và LienVietPostBank lần lượt đứng thứ hai và ba với tỷ lệ CASA ở mức 5,9% và 6,3%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức khiêm tốn bao gồm NamABank (6,8%), BacABank (6,9%), Baovietbank (7,6%)…
Nguồn vốn rẻ đã không còn… rẻ
Với lợi thế chi phí vốn thấp, tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các NHTM. Thành viên nào sở hữu tỷ lệ CASA càng lớn thì càng có lợi thế hóa giải áp lực chi phí vốn, cải thiện lãi biên (NIM).
Tuy nhiên, như trên, tính chất lỏng lẻo trong cơ cấu cân đối vốn cùng độ nhạy với mức độ thay đổi lãi suất đang khiến cho nguồn vốn giá rẻ này ngày càng trở nên “khan hiếm” hơn.
Bởi, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục tăng cao như hiện nay, nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán có xu hướng được dịch chuyển vào tài khoản tiết kiệm với kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất hấp dẫn hơn.
Mặt khác, tín dụng và nguồn vốn trên các thị trường đã và đang có xu hướng "ngột ngạt" đi, nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ càng tranh thủ và tận dụng hơn nguồn vốn nhàn rỗi của mình thay vì để ở dạng không kỳ hạn, hoặc số dư loại này không dồi dào như trước.
Sự “khan hiếm” trên cũng là nguyên nhân khiến một loạt nhà băng buộc phải tăng mạnh lãi suất trong thời gian gần đây nhằm tăng sức hấp dẫn của tiền gửi không kỳ hạn. Lãi suất tại một số thành viên thậm chí đã được đẩy lên kịch trần mới.
VPBank là một ví dụ. Từ ngày 1/11, ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1%/năm.
Cụ thể, khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm.
Khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn kịch trần với mức 1%/năm.
Ngoài VPBank, một ngân hàng lớn khác là Techcombank cũng vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm.
Techcombank vốn vẫn là “nhà vô địch” trong việc huy động tiền gửi không kỳ hạn, dù lãi suất nhà băng này trước đó luôn ở mức thấp nhất hệ thống (0,03%/năm). Tuy nhiên, với diễn biến chung của thị trường, ngân hàng này cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” nâng lãi suất để níu kéo dòng vốn giá rẻ.
Tương tự, lãi suất tài khoản thanh toán cũng đã được đẩy lên kịch trần ở một số thành viên quy mô nhỏ hơn như SCB, Kienlongbank hay ngân hàng Bản Viêt, hoặc sát trần như OCB 0,9%/năm, BaovietBank 0,8%/năm,…
Trước đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của đa số ngân hàng thương mại áp dụng mức rất thấp, dao động mức 0,02 - 0,2%/năm. Mức 0,2%/năm cũng là mức trần với tiền gửi này trước thời điểm NHNN tăng lãi suất điều hành lần đầu trong năm nay vào ngày 23/9.
Tuy nhiên, sau 2 lần Nhà điều hành nâng lãi suất điều hành, mức trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng lên 1%/năm, lãi suất tại các nhà băng cũng vọt lên tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí huy động CASA của các thành viên đã tăng tới gấp 5 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Nguồn vốn giá rẻ đã không còn rẻ.
Tuy nhiên, trong môi trường lãi suất như hiện nay, chi phí đầu vào tăng lên, CASA càng là nguồn vốn quý đối với các nhà băng.