Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc vẫn khúc nổi, khúc chìm khó dự báo

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhập khẩu các loại thuỷ sản từ Việt Nam, song những dự báo phục hồi vào năm 2022 vẫn "khó đủ đường" để có thể đưa ra nhận định tăng trưởng một cách chắc chắn.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng khủng nhưng chưa bằng lúc bình thường - Ảnh: Nguyễn Huyền
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng khủng nhưng chưa bằng lúc bình thường - Ảnh: Nguyễn Huyền

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 637,839 USD, giảm 26,9% so với tháng trước. Cộng dồn 02 tháng, xuất khẩu thủy sản đạt 1,507 tỷ USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh...

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) từ ngày 1/1 – 15/2, xuất khẩu thủy sản đạt 1,074 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 385,422 triệu USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ, riêng thị trường Trung Quốc đạt 22,983 triệu USD, giảm 7,45% so với cùng kỳ năm trước.

Tính theo khối lượng thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 6%, nhưng xét về thị trường đơn lẻ Trung Quốc đứng thứ 26/63 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đang sụt giảm nhưng VASEP dự kiến xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ phục hồi trong năm nay sau khi sụt giảm trong năm ngoái.

Theo bà Kim Thu - Chuyên viên VASEP, tính tới ngày 15/2/2022, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt gần 23 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, xuất khẩu trong thời điểm đầu năm chưa tăng nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với đà giảm của năm rồi. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong năm nay dự kiến phục hồi khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt.

Năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh, nhất là khi nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc là Ecuador đang có kế hoạch giành lại thị phần trên thị trường này sau khi bị sụt giảm trong năm 2020 và 2021 do bị phát hiện coronavirus trên bao bì sản phẩm.

... và khó đủ đường

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 cho thị trường Trung Quốc sau Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tuy đà sụt giảm đã nhẹ so với trước, nhưng hiện nay các quy định và rào cản của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặc biệt lại được đưa ra vào thời điểm các cơ quan hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong đại dịch COVID-19.

Vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam là cần kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khử khuẩn, nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến COVID-19.

Năm 2021, Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu do tác động của dịch COVID-19, họ cũng đã đình chỉ nhập khẩu của nhiều công ty Ấn Độ, Ecuador và một số nước châu Á, và có động thái đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản sản xuất nội địa thay hàng nhập khẩu.

Hơn nữa, do theo đuổi chính sách “Zero Covid” Trung Quốc quy định kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19 tại các cảng nhập khẩu cả đường hàng không, đường biển và biên giới của Trung Quốc đã tạo nhiều khó khăn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra tăng sang Trung Quốc tăng khủng về lượng

Theo VASEP, từ ngày 1/1 – 15/2, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường đạt 272,717 triệu USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm rồi, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (đứng sau Hoa Kỳ) đạt 51,181 triệu USD, tăng 277,5% so với cùng kỳ.

Nhận xét về mức tăng khủng này, ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng khủng nhưng trị số tuyệt đối không tăng và chưa trở lại mức bình thường như thời trước dịch bệnh.

Do chính sách “Zero Covid” của Chính phủ Trung Quốc nên hải quan nước này kiểm tra hàng hóa nhập khẩu liên tục và nghiêm ngặt khiến khâu giải phóng hàng bị chậm hẳn, và khi phát hiện Virus Corona trên bao bì những lô hàng nhập khẩu, họ đã không cho doanh nghiệp chủ lô hàng được xuất khẩu vào ...

Bây giờ tình hình dịch bệnh ổn hơn và nhu cầu quay trở lại nên có mức tăng cao nhưng xét về trị số tuyệt đối thì không tăng nhiều và vẫn còn thấp hơn lúc bình thường, có 03 nguyên nhân tác động lên thị trường này:

Thứ nhất, chính sách “Zero covid” của Chính phủ Trung Quốc khiến xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam đi Trung Quốc bị giảm mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, đến đầu năm 2022 tăng trở lại do nhu cầu tăng nhưng cũng còn hạn chế.

Thứ hai, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu nhưng vẫn đang trong tâm thế lo ngại nhiều về dịch COVID-19.

“Trước đây Trung Quốc nhập khẩu thủy sản từ nhiều nước và khi phát hiện SARS-CoV-2 có trên bao bì thủy sản nhập khẩu thì họ đánh đồng chung là do hàng nhập khẩu nên giảm tiêu thụ, khiến các nhà hàng cũng giảm nhu cầu đối với hàng thủy sản nhập khẩu bởi vì thủ tục quá phức tạp. Đó cũng là một lý do làm cho lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc thấp xuống”, Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.

Thứ ba, thương mại thủy sản biên giới Trung Quốc trong năm rồi cũng giảm mạnh.

Nhận định về nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường Trung Quốc, Tổng thư ký VASEP cho rằng Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường tốt.

“Thế giới đang bắt đầu hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn và có thể dịch bệnh sẽ qua đi trong năm nay nên các nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và thương mại thực phẩm sẽ là vấn đề ưu tiên và xuất khẩu thủy sản sẽ có tăng trưởng, và thị trường Trung Quốc cũng sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021.

Tuy vậy, đến nay VASEP vẫn chưa thể đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022, vì muốn đưa ra được con số dự báo cần phải có thời gian để quan sát thị trường tăng trưởng nhiều hay ít. Nhưng chắc chắn trong năm 2022 xuất khẩu thủy sản sẽ tăng hơn năm 2021 vì có nhiều yếu tố thuận lợi hơn”, Tổng thư ký VASEP khẳng định.

Đọc tiếp

Quang cảnh hội thảo

Nestlé Việt Nam cùng đối tác thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Nestlé Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và đại diện các bộ, ban, ngành tổ chức buổi chia sẻ về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Chat với BizLIVE