Vốn FDI 10 tháng vượt 27 tỷ USD, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để đón làn sóng đầu tư mới?

Theo chuyên gia của HSBC, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Đón làn sóng đầu tư mới là vì lợi ích của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng của các ngành và lĩnh vực.

Vốn FDI 10 tháng vượt 27 tỷ USD, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để đón làn sóng đầu tư mới?

Vốn FDI đăng ký mới và giải ngân vẫn trong xu hướng tăng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đã đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, đã có 2.743 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD (giảm 2,5%). Đồng thời, cả nước đã có 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD (tăng 42%) và 2.669 giao dịch góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 10%) với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD (giảm 29%).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mới vào 18 ngành, lĩnh vực trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,79 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,24 tỷ USD, chiếm 21,3%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 14,5%.

Trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua, Singapore dẫn đầu với hơn 7,79 tỷ USD (chiếm 29%), tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đứng thứ 2 với hơn 3,61 tỷ USD (chiếm 13%), tăng 5%; tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kông…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới từ đầu năm nay (chiếm 28,6%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (chiếm 26%).

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính tới hết tháng 10/2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 19,58 USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam ở vị thế thuận lợi để đón làn sóng FDI mới

Nhìn nhận về việc thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua, ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phát triển và trở nên gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến vào lĩnh vực điện tử giá trị cao hơn và chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu gấp 7 lần kể từ năm 2007, trong đó, 70% xuất khẩu là từ các doanh nghiệp FDI. Những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong những năm qua chắc chắn là Hàn Quốc, với những gã khổng lồ như Samsung, LG, Hyundai, Lotte,... Singapore và Nhật Bản cũng đã tham gia vào cuộc đua vốn đầu tư này và giành được thành công lớn.

Tuy nhiên, động lực của dòng vốn FDI cũng như danh sách nhà đầu tư đang thay đổi kể từ nửa cuối năm 2023, rõ ràng hơn là vào năm 2024. Dòng vốn từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc đại lục, đang ngày càng tăng tốc.

Điều này theo chuyên gia của HSBC là nhờ sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và sắp xếp lại. Thương mại giữa hai thị trường đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2007, Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong phân khúc hạ nguồn của chuỗi cung ứng sản xuất Trung Quốc.

"Nhìn từ góc độ dòng vốn FDI đăng ký mới, các hành lang thương mại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang cùng đóng góp đến 60% tổng dòng vốn, trong khi năm 2022 chỉ chiếm 38%. Ngoài ra, tính đến nửa đầu năm 2024, gần 50% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký mới từ Singapore thực tế cũng bắt nguồn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan", ông Joon Suk Park cho biết.

Quảng cáo
Ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

Cũng theo ông Joon Suk Park, dù lượng vốn đầu tư không cao như Trung Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục mở rộng và tăng cường đầu tư vào Việt Nam như một cách để chuyển hướng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong khi đó, dòng vốn từ Hồng Kông là sự pha trộn của các nhà đầu tư từ các tập đoàn Hồng Kông cho đến các công ty Trung Quốc đại lục đang sử dụng Hồng Kông như bệ phóng để đầu tư vào Việt Nam.

Phân tích rõ hơn về lý do dòng FDI của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục đang gia tăng chuyên gia của HSBC chỉ ra một số yếu tố.

Trước hết, Trung Quốc hiện đang là trung tâm của thương mại toàn cầu, nơi các biện pháp bảo hộ đang gia tăng. Khối lượng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc lên tới 3,5 nghìn tỷ USD, vượt xa Mỹ (2 nghìn tỷ USD) và Đức (1,7 nghìn tỷ USD). Các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, xét từ góc độ hành lang thương mại toàn cầu, 9 trong số 20 mối quan hệ thương mại toàn cầu quan trọng tập trung vào Trung Quốc, trong khi chỉ có 4 mối quan hệ thương mại quan trọng tập trung vào Mỹ và châu Âu.

Khu vực ASEAN hiện đang có thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng, nhưng phần nhiều đến từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang diễn ra. Các thị trường ASEAN thực ra được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc để trở nên cạnh tranh trên thị trường, từ đó đạt được vị thế thặng dư thương mại với các thị trường còn lại trên thế giới. Việt Nam là một ví dụ điển hình và là một trong những quốc gia hưởng lợi chính.

Thứ hai, dòng đầu tư tăng cũng là phản ứng trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, với độ tuổi tiếp cận các phương tiện truyền thông là 30 và lực lượng lao động chiếm tới 70% dân số. Nhà sản xuất xe điện số một Trung Quốc, BYD, gần đây đã gia nhập thị trường Việt Nam là một minh chứng.

Cuối cùng, các yếu tố cơ bản vẫn tiếp tục mạnh mẽ và hấp dẫn. Mức lương trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn một nửa so với Trung Quốc đại lục và thấp thứ 2 trong ASEAN sau Philippines, giá điện thấp thứ 2 trong ASEAN chỉ sau Indonesia, giá dầu diesel thấp thứ 2 chỉ sau Malaysia.

Đồng thời, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cả FTA song phương và khu vực. Chỉ số Hạn chế quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI Regulatory Restrictiveness Index) cho thấy Việt Nam là nền kinh tế cởi mở nhất chỉ sau Singapore trong khu vực, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định là 20% thể hiện lợi thế so sánh với các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Chuyên gia HSBC cho rằng, hành lang thương mại và đầu tư với Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang và sẽ tiếp tục là nguồn đầu tư dồi dào, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Dòng vốn FDI từ các nước khác cũng sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng này. Song những trở ngại về mặt cấu trúc vẫn còn. Tốc độ giải quyết những thách thức này sẽ quyết định mức độ tỏa sáng trong tương lai của Việt Nam.

Dù vậy, cơ hội từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mở ra cho nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Các quốc gia láng giềng sẽ không đứng ngoài cuộc. Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đang triển khai những hành động, luật và nghị định liên quan cũng như các biện pháp ủng hộ nhà đầu tư để thu hút thêm FDI. Sự cạnh tranh là rất cao.

Đối với Việt Nam, theo ông Joon Suk Park, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như để hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa. Xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng vẫn mạnh song Việt Nam vẫn tụt hậu trong phân khúc mạch tích hợp toàn cầu và không có đủ kỹ thuật viên lành nghề trong nước để thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao (mặc dù gần đây Chính phủ đã vạch ra lộ trình dành riêng cho ngành bán dẫn cho đến năm 2050).

Còn trong các lĩnh vực khác bao gồm vận tải và hậu cần, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và chi phí hậu cần cao có thể gây áp lực lên các quyết định đầu tư. Năng lượng xanh và hành trình chuyển đổi đòi hỏi tốc độ triển khai và số hóa hơn nữa để đơn giản hóa các quy trình thương mại, yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Đồng thời, việc tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý bao quát hỗ trợ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện duy trì nỗ lực của Việt Nam để tiếp nhận dòng đầu tư bền vững hiện tại và tương lai.

"Thông điệp rất rõ ràng và cơ hội càng rõ ràng hơn. Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Đón làn sóng đầu tư mới là vì lợi ích của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng của các ngành và lĩnh vực", ông Joon Suk Park nhận định.

Theo Thoidai.com.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Tiêu điểm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu những động lực để đạt tăng trưởng 8% năm 2025

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định để đạt được mục tiêu cao "phải bắt đầu hành động ngay và không bàn đến vấn đề quá sức hay không quá sức mà đã đặt ra thì phải quyết tâm làm".

Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam Thủ tướng: Phấn đấu GDP Việt Nam đạt 780 - 800 tỷ USD năm 2030, vào top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới

CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so với cùng kỳ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.

Giá lương thực, thực phẩm tăng sau bão đẩy CPI tháng 9 tăng 0,29% CPI tháng 9 tại Mỹ tăng vượt dự báo, Fed gần như "hết cửa" hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trong lần tới?

Việt Nam hợp tác với NVIDIA thành lập Trung tâm R&D Trí tuệ nhân tạo và Trung tâm Dữ liệu AI

Chiều tối ngày 5/12/2024, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng giám đốc Nvidia Jensen Huang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri - Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA, đã ký thoả thuận hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) (được gọi là VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI.

Nvidia sắp thế chân Intel trong Dow Jones Vốn hóa thị trường của "ông lớn" chip Nvidia tăng lên hơn 3.600 tỷ USD

Thủ tướng ra mệnh lệnh nóng về tiến độ Sân bay Long Thành và đường kết nối

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các chủ đầu tư các dự án thành phần Sân bay Long Thành được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để có thể khai thác đồng bộ công trình trước ngày 31/12/2025.

Liên tục “đón tin vui” từ hạ tầng, bất động sản cận sân bay Long Thành tăng nhịp cuối năm Bất động sản quanh sân bay Long Thành “tăng nhiệt” cuối năm